June 25, 2015

ANIME REVIEW: PRINCESS TUTU

Nhìn lại một giai đoạn phát triển mới của anime khi bước vào thế kỉ 21, rất nhiều bộ phim đã cố gắng không đi theo lối mòn mà tìm tòi những cách tiếp cận độc đáo về nội dung cũng như hình thức. Mặc dù không phải anime nào cũng thành công nhưng cũng có không ít bộ đã đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Princess Tutu là một anime như thế. Là một bộ original, Princess Tutu xứng đáng được hoan nghênh bởi sự sáng tạo và khác biệt trong thể loại shoujo nói riêng và tất cả anime nói chung.
 -  Tên: Princess Tutu
 -  Năm phát hành: 2002
 -  Studio: Hal film Maker
 -  Số tập: 38 (TV series); 26 (DVD)
 -  Rating (Anidb) 8.22; (Myanimelist) 8.25

Nội dung

Ngày xưa, có một người viết câu chuyện cổ tích “Hoàng tử và con quạ” nhưng đã qua đời trong khi truyện còn dang dở. Hai nhân vật đã thoát khỏi truyện ra thế giới thực. Hoàng tử phải tự đâm vỡ trái tim mình để phong ấn con quạ nên anh mất đi mọi cảm xúc. Linh hồn tác giả đã tặng cho một chú vịt khả năng biến hình thành người để tìm kiếm những mảnh vỡ trái tim và trả lại cho chàng. Cô hóa thân thành Princess Tutu với ao ước được nhìn thấy Hoàng tử nở nụ cười.

Những dòng sơ lược này không có vẻ gì hứa hẹn sẽ mang đến một nội dung mới lạ, không những thế còn mang hơi hướng chuyện cổ tích vốn dĩ theo những mô típ rõ ràng dễ đoán. Tuy nhiên bộ phim có sự pha trộn rất hài hòa giữa cổ tích châu Âu, múa ba-lê và Mahou shoujo. Những câu chuyện và các vở ba-lê nổi tiếng như Vịt con xấu xí, Hồ thiên nga, Giselle, Người đẹp ngủ trong rừng, Cô gái Lọ Lem, Đôi giày đỏ… được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, luân phiên và đầy bất ngờ. Cùng một truyện kể chúng ta đã nghe, đã thuộc, Princess Tutu vừa giữ được văn phong nó vốn có vừa biến nó trở nên cách điệu và khác biệt. Anime không hề cố gắng cải biên nguyên tác mà chỉ lấy đó làm nguồn cảm hứng và yếu tố bổ trợ cho cốt truyện chính. Cách dẫn dắt của bộ phim cũng rất đáng khen ngợi, từ lời dẫn chuyện khi bước vào mỗi tập phim cho đến lời bình của tác giả xen kẽ trong mạch truyện, tất cả đều gợi không khí cổ xưa và đậm chất thần tiên.

Khi Puella magi Madoka magica ra đời, người ta thường nhớ về Princess Tutu như tác phẩm Mahou shoujo tăm tối đầu tiên của thể loại này. Anime mang màu sắc hoàn toàn khác so với sự tươi sáng, rực rỡ của Cardcaptor Sakura hay Sailor moon. Bộ phim hướng đến một nội dung nhiều mâu thuẫn. Ai bảo tình yêu của Thiên nga đen là không thuần khiết? Có nên giúp đỡ một người mà vô tình đem đến đau khổ cho họ? Nên sống một vai diễn hạnh phúc hay chết khi được làm chính mình? Anime đã khai thác tốt tiềm năng của một cốt truyện có chiều sâu, đem đến góc nhìn rộng mở về định mệnh và sự tự do. Đặc biệt nửa đầu phim được xây dựng rất tốt, thậm chí nếu kết lại ở tập 14 thì cũng có thể coi là một bộ phim tương đối trọn vẹn. Sự tăm tối của anime cũng dịu đi phần nào nhờ sự chuyển đổi tự nhiên giữa hài kịch và bi kịch, thông qua các tình tiết vui nhộn của ông thầy giáo và bộ ba bạn thân Ahiru.

Một điều nữa rất đáng khen là anime đã không lựa chọn một cái kết dễ dãi, happy end cả nhà đều vui. Nó không vì làm hài lòng người xem mà biến mình trở nên tầm thường. Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng nó thiếu thỏa đáng và công bằng với Ahiru. Tuy nhiên cái kết này đã giải quyết được mọi vấn đề và mang tính gợi mở cao. Sự công bằng với nhân vật nào đó không có giá trị trong việc đánh giá một kết thúc hay hay dở. Nhìn một cách tích cực thì ngay từ đầu Ahiru là một con vịt được biến thành người, chứ không phải một cô gái gặp phải lời nguyền hóa thành vịt. Ahiru chỉ trở về với bản chất của mình, những ngày tháng trong hình dạng con người đã đủ may mắn và hạnh phúc đối với cô rồi. Một cái kết không trọn vẹn như vậy sẽ luôn đáng nhớ và khiến người ta nuối tiếc hơn.

Tuy nhiên đây chưa phải là một kịch bản xuất sắc. Các tập liên tiếp từ 15 – 20 trùng lặp nhau khiến nội dung trở nên công thức, dễ đoán và làm chậm nhịp độ phim. Bên cạnh đó việc giải quyết xung đột quá dễ dàng bằng ba-lê làm mất đi tính bất ngờ. Cái kiểu xử lí "thông não" này vốn là đặc trưng của dòng Mahou shoujo, nhưng ở Princess Tutu thì phần nào đỡ gượng gạo và dễ chấp nhận hơn.  Ví dụ như Shugo chara cũng có những nhân vật tốt bị ép trở nên xấu xa, khi đó nữ chính thường dùng phép thuật để "thanh tẩy" họ, tức là tác động bên ngoài vào. Còn Princess TuTu lại dùng ba-lê để cảm hóa, khiến họ thay đổi từ bên trong. Ba-lê vốn là một loại hình nghệ thuật bậc cao, diễn tả cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể con người. Anime đã biết cách nắm bắt tính chất đó để lồng ghép khiêu vũ trong các cảnh phim một cách hài hòa. Thậm chí nó còn được dùng trong cả các cảnh chiến đấu mà không làm mất đi sự gay cấn, thay vào đó lại biến những thước phim trở nên thanh lịch, uyển chuyển và đầy xúc cảm mạnh mẽ.

Nhân vật

Về phương diện nhân vật, thế giới siêu thực cho phép Princess Tutu có cơ hội sáng tạo những lớp nhân vật phong phú ít thấy trong anime. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng các nhân vật này rất sống động từ con người đến loài vật hay con rối. Họ giữ vai trò riêng hợp lí và hiệu quả trong cốt truyện, đặc biệt là bốn nhân vật chính. Với nội dung mang đậm màu sắc cổ tích thì ngay từ khi bắt đầu, Princess Tutu đã sẵn có kiểu tính cách nhân vật khuôn mẫu. Dễ thấy như Mytho là hoàng tử thì sẽ đẹp trai, tài giỏi, quả cảm hay Rue như một nàng công chúa xinh đẹp và kiêu kì. Tuy nhiên anime đã cố gắng giữ hình tượng nhân vật thực tế nhất có thể với những diễn biến tâm lí tự nhiên và chân thật. Những cảm xúc của họ gần gũi với đời sống và có sự thay đổi chậm rãi, từ tốn theo tình tiết phim, nổi bật là Ahiru và Fakir.
Ahiru là một nhân vật chính mà bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng yêu quý. Khác với anime, Ahiru trong manga là một cô gái được trao cho chiếc vòng có thể biến thân thành Princess Tutu, theo đó thì cốt truyện cũng sẽ khác đi (theo nhiều nguồn tin thì bộ truyện này không có cửa để so sánh với anime). Mặc dù tiền thân là một chú vịt nhưng tâm hồn Ahiru chân thành, thánh thiện hơn bất cứ ai. Từ đầu đến cuối, cô luôn miệt mài đi tìm những mảnh vỡ trái tim của hoàng tử với một động cơ rất trong sáng là để anh có thể mỉm cười. Cô luôn ở đó cứu giúp anh khỏi lạc lối bằng một tình yêu vô điều kiện, giữ chặt những day dứt trong tim vì không được phép thổ lộ tình cảm của mình. Khi là Ahiru, cô vụng về nhưng vui vẻ và lạc quan. Khi là Princess Tutu, cô xinh đẹp và tỏa sáng rạng ngời. Tấm lòng vị tha, tốt bụng và hồn nhiên đã giúp cô thấu hiểu Rue, cảm hóa Mytho và xoa dịu nỗi đau của Fakir.

Thế nhưng Ahiru không phải là nàng công chúa hoàn hảo. Cô đã từng mâu thuẫn bế tắc giữa lí tưởng và thực tế. Mọi hành động của cô luôn vì mục đích tốt đẹp nhưng kết quả lại trái ngược. Với một người càng nhân ái như Ahiru thì điều đó càng làm cô đau khổ. Cô có những nỗi lo riêng, sợ bí mật bị phơi bày, sợ lí tưởng của mình là sai lầm, sợ phải lựa chọn giữa việc hi sinh hạnh phúc của bản thân để cứu giúp người khác. Thậm chí có lúc cô trốn chạy khỏi hiện thực, buông xuôi tất cả. Thế nhưng vượt qua những phút yếu lòng, Ahiru vẫn không ngừng đấu tranh. Chú vịt bé nhỏ nhưng mạnh mẽ và kiên cường. Cảnh phim Ahiru cô độc nhảy múa giữa đàn quạ, hết lần này đến lần khác đuối sức rồi đứng lên không khỏi khiến người xem xúc động. Với nhân cách tuyệt đẹp và giàu đức hi sinh, Ahiru thực sự là nhân vật tỏa sáng của tác phẩm này.
Mytho là chàng hoàng tử đẹp trai tài giỏi trong truyện, để chiến thắng quái vật anh phải đâm vỡ trái tim của mình. Bước ra đời thực, Mytho mất hết toàn bộ cảm xúc, thành ra tính cách của nhân vật này kém nổi bật hơn hẳn những người còn lại. Anh chỉ có một niềm đam mê duy nhất là múa ba-lê, không bận tâm tới bất kì điều gì xung quanh. Mặc dù vậy anh luôn đối xử rất ân cần, hòa nhã với mọi người nên rất được hâm mộ. Nhân vật này có sự đấu tranh nội tâm, giằng xé, đau đớn và thay đổi nhưng không tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ trong cốt truyện mà ngược lại bị đưa đẩy, cuốn theo nó. Cuối cùng, Mytho cũng chỉ trở về tính cách vốn có chứ không phát triển hay có đột phá nào, lại còn nhờ sự giúp đỡ từ người khác chứ bản thân gần như chả làm gì. Mytho rất biết ơn Princess Tutu và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của cô, tuy nhiên đến cuối thì anh đã lựa chọn tình yêu theo mách bảo của trái tim. Hoàng tử thì sẽ luôn kết đôi với công chúa? Anime này rõ ràng không có chỗ cho những mô típ cổ tích ngọt ngào như thế.
Gần như đối lập với Ahiru, Rue là người phức tạp và bí ẩn nhất trong anime. Cô xinh đẹp, tài năng nhưng lại khá kiêu kì, chỉ thân thiết với Mytho. Rue thuộc tuýp nhân vật có xung đột tính cách cao, nội tâm bí ẩn và hoàn cảnh nhiều khúc mắc nên dễ đi sâu, tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ từ người xem. Cô nhiều lần gây trở ngại cho Princess TuTu, mù quáng làm mọi cách để có được trái tim hoàng tử. Song ở bên trong Rue là một tâm hồn ngây thơ, cô độc, luôn mong mỏi tìm kiếm sự yêu thương. Cô luôn phải đấu tranh giữa mệnh lệnh của người cha và bị dằn vặt mỗi khi nhìn thấy Mytho đau khổ. Rue không còn là nàng thiên nga đen ma mị, cám dỗ như trong truyện cổ tích, mà là một cô gái dâng trọn hết mình vì tình yêu, vừa thuần khiết vừa ích kỉ, mong manh. Đây là một nhân vật rất tiềm năng, tiếc thay chưa được khai thác xứng tầm. Về cuối, Rue được lên hình rời rạc làm cho sự thay đổi tâm lí khá chóng vánh và sự đồng cảm giảm đi phần nào.
Một nhân vật rất hay khác trong anime là Fakir. Trong truyện cổ tích, anh là Hiệp sĩ của hoàng tử nên rất giỏi kiếm thuật, tận tâm và trung thành, nhưng bị giết khi giao đấu với Quạ. Nếu như Mytho là ánh sáng thì Fakir là bóng tối, từ tạo hình cho đến tính cách của anh đều trái ngược. Anh luôn tỏ ra khó gần, lạnh lùng và đôi khi khá đáng sợ, nhất là với những ai có ý định thân cận với Mytho. Fakir mang dáng dấp của một bề tôi hiệp nghĩa, quả cảm, trọng danh dự; mặt khác lại là người bạn thân đáng tin cậy, tất cả mọi việc anh làm đều vì một lòng bảo vệ Mytho. Càng về sau, câu chuyện đã mở ra những mặt khác trong con người anh, một cá tính sâu sắc và phức tạp. Fakir luôn là người âm thầm chiến đấu trong màn đêm, đơn độc xông pha làm những việc nguy hiểm, để rồi lại bất lực lặng lẽ rơi nước mắt khi không thể bảo vệ được Mytho.

Trái tim anh chất đầy khổ đau và tội lỗi, vừa mang gánh nặng cái chết của cha mẹ, vừa ám ảnh khôn nguôi ác mộng từ kiếp trước. Vì từng chết một lần, Fakir sợ cái chết hơn bất cứ ai. Anh từ chối tiếp tục câu chuyện, cản trở Princess Tutu thu thập mảnh vỡ trái tim để không phải chiến đấu. Fakir là hiện thân bi kịch giữa tình cảm và nghĩa vụ, luôn mơ hồ và giằng xé trước con đường của mình. Nhưng rồi dòng máu hiệp sĩ trong anh đã chiến thằng, dù biết trước kết cục bi thảm của mình, anh vẫn vung kiếm. Nếu Princess Tutu đem đến hi vọng, thì Fakir là người biến hi vọng đó thành sự thật. Một Fakir dám đứng lên thách thức số phận, viết lại lịch sử; một Fakir luôn ở bên khi Ahiru cần nhất, tiếp thêm sức mạnh khi cô lạc lối; con người ấy chúng ta không thể không yêu quý.

Đây còn là nhân vật rất dễ thương, một trong những male tsundere hay nhất trong giới anime. Rất hoan nghênh các anh chàng tsundere vì họ không bao giờ bạo lực, annoying hay đỏ mặt quá nhiều. Fakir đỏ mặt thường không phải để che đậy tính cách bên trong, mà đơn giản là xấu hổ tự nhiên. Ví dụ khi Ahiru biến hình, vì không muốn nhìn thấy con gái trần truồng nên Fakir ngay lập tức quay đi, nhưng bằng những cách rất dễ thương như úp mặt vô tường hoặc nấp ở chỗ nào đấy. Nếu là một nhân vật nam khác thì biểu cảm chúng ta thường thấy nhất là xịt máu mũi hay lúng ta lúng túng, còn ở đây anh ta thể hiện tính cách rất đứng đắn và lịch sự (bản chất hiệp sĩ mà) nhưng vẫn dễ đỏ mặt xấu hổ. Khi được hỏi "Sao anh lại trốn vậy" thì không biết đáp gì: "Im đê!!". Phải nói là những khoảnh khắc tsun của Fakir rất vô giá.

Hình ảnh

Về mặt hình ảnh, Princess Tutu không có đồ họa phức tạp hay hào nhoáng gì, nhưng đạt chất lượng cao so với thời điểm ra đời của nó. Cảnh nền khá đơn giản, cách phối màu trầm góp phần tạo dựng không khí của anime. Tuy nhiên cảnh khiêu vũ thì được chăm chút trong chuyển động, góc quay và ánh sáng, đủ biến những màn vũ đạo trở nên đáng nhớ trong mắt người xem. Trong đó có một số chi tiết thực sự rất ấn tượng và ưa nhìn như đàn quạ nhảy múa hoặc chim thiên nga vỗ cánh. Thiết kế nhân vật tuy có đôi chút trẻ con nhưng khá sáng tạo và không thể nhầm lẫn các nhân vật với nhau, biểu cảm cũng rất sinh động tự nhiên. Đặc biệt là tạo hình của Tutu và Kraehe thực sự bắt mắt, quyến rũ, một lần xem qua sẽ rất khó quên.

Âm thanh

Điểm đặc sắc nhất của Princess Tutu có lẽ là phần âm nhạc. Anime sở hữu một dàn soundtrack đồ sộ trên dưới 70 bài, với sự góp mặt của rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như của Tchaikovsky hay Johann Strauss II. Kể cả người không quen nghe nhạc cổ điển hay múa ba-lê thì cũng có thể nhận ra. Những bản nhạc được lồng ghép một cách hiệu quả trong các cảnh phim, đặc biệt là các trường đoạn gay cấn, âm nhạc đã đẩy cảm xúc lên một tầm cao. Bài hát mở đầu và kết thúc sở hữu những giai điệu du dương, êm ái, còn lồng tiếng ngoại trừ giọng Ahiru hơi khàn thì các nhân vật còn lại đều phù hợp.

Princess Tutu chưa phải là một anime xuất sắc. Nhưng rõ ràng giữa một rừng anime hiện đại, nhất là trong dòng anime shoujo đang sa đà vào lối mòn với những câu chuyện tình yêu học đường hao hao nhau thì Princess Tutu là một sự lựa chọn đáng tin cậy. Hoặc nếu không bạn có thể tin vào đạo diễn Satou Junichi - bảo chứng về anime dành cho các thiếu nữ như Aria, Kaleido star, Pretear, Tamayura, Ojamajo Doremi... Bộ phim với sự thanh lịch, tinh tế và mới lạ xứng đáng có tên trong top anime hay nhất ở thể loại này.
Overall: 8
Người viết: Hazy Nguyen
*Những trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Back To Top