January 3, 2016

ANIME REVIEW: HIBIKE! EUPHONIUM

Từ sau Hyouka ra mắt năm 2012 thì Kyoto Animation chưa có sản phẩm nào thực sự nổi trội, kế thừa thành công những anime thời kì hoàng kim của hãng. Dễ thấy rằng Chunibyo demo Koi ga shitai, Tamako market, Free!, Kyoukai no Kanata, Amagi brilliant park đều nổi tiếng nhưng không được đánh giá cao. Khi người hâm mộ bắt đầu giảm đi sự kì vọng về anime của hãng mỗi mùa ra mắt thì Kyoto đã kịp tung ra Hibike! Euphonium. Được xem là K-ON! phiên bản brass, Hibike! Euphonium có xứng đáng là người kế nhiệm của hit lớn từng khuấy đảo làng anime một thời?
-  Tên: Hibike! Euphonium (Sound! Euphonium)
-  Năm phát hành: 2015
-  Studio: Kyoto Animation
-  Số tập: 13
-  Rating: (Anidb) 7.26; (Myanimelist) 8.04

Nhân vật chính của anime là Kumiko Oumae, một nữ sinh trung học bình thường vừa bước vào năm nhất cao trung. Cô được hai người bạn cùng lớp là Hazuki và Midori rủ rê vào CLB kèn đồng. Tuy nhiên tại đó Kumiko gặp lại Reina, cô bạn cũ cấp II từng có hiểu lầm trong cuộc thi dàn nhạc giao hưởng cuối năm. Và điều đó khiến Kumiko lưỡng lự.

Hibike! Euphonium được chuyển thể từ light novel của Ayano Takeda, anime bám khá sát cốt truyện gốc mặc dù có đôi chút chỉnh sửa phù hợp khi lên hình. Nếu như K-ON mang tag slice of life về CLB học đường của những cô gái yêu nhạc nhẹ, thì Hibike! Euphonium thiên về drama và chuyển qua chơi trống kèn thay vì nhạc cụ điện tử. Dễ thấy là từ thiết kế nhân vật, cốt truyện cho đến dòng nhạc cổ điển thì Hibike Euphonium đều chín chắn và nghiêm túc hơn. Những tập đầu pacing rất vừa phải để giới thiệu làm quen, nhưng khi bước vào cuộc thi thì có sự biến chuyển dần dần, tương xứng với sự phát triển của cốt truyện. Đạo diễn phim rất khá, đặc biệt thể hiện rất tốt không khí căng thẳng trước giờ G. Bên cạnh đó là cách chuyển cảnh khéo léo, lựa chọn góc quay đôi khi kì lạ nhưng khá hay. Cũng có lúc anime hơi lạm dụng quay ngoại cảnh khiến mình nghĩ KyoAni đang khoe khéo art hơn là tạo một góc nhìn thú vị cho người xem.

Thực tế đã cho thấy khó studio nào qua mặt được hãng này về khoản school life, xây dựng rất sinh động không khí trường lớp như sinh hoạt lớp, câu lạc bộ, lễ hội… Hibike Euphonium không chỉ kế thừa truyền thống đó, mà có thể nói là anime về CLB học đường chân thực nhất của KyoAni trước giờ. CLB nhạc trong Hibike Euphonium không lèo tèo vài ba người như Clannad, K-ON, Haruhi… mà mấy chục thành viên, có nghĩa có rất nhiều vấn đề để khai thác. Đây cũng không phải đội nhóm như anime thể thao cùng đồng lòng hợp sức đạt được mục tiêu nào đấy, mà là một tập thể trì trệ. Có những thành viên lười biếng như Natsuki hay mem mới toàn tập không biết gì về nhạc như Hazuki, ai nên làm trưởng nhóm, ai được thiên vị, rồi nói xấu nhau, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… Hibike Euphonium đã phơi bày rất thật và thành công những vấn đề của làm việc nhóm mà hẳn bạn cũng từng gặp ngoài đời.

Có ba điều mình rất kị ở KyoAni đó là comedy nhạt, moe gượng và nhân vật phản ứng thái quá thì Hibike Euphonium đều có sự cải thiện rõ rệt. Không còn những màn tấu hài nhạt nhẽo, nhân vật overreact rất ít và moe tự nhiên hơn. Tuy nhiên anime lại có vấn đề khác là yuri. Có khi các hint yuri rất tinh tế và đáng nhớ, nhưng càng về sau thì lộ liễu hơn và không cần thiết (VD tập 12). Sẽ dễ chịu hơn nếu anime gán tag yuri hoặc giảm bão hint, mà chỉ cần đầu tư một vài chi tiết nhưng có chiều sâu. Một điều nữa mình cũng chưa hài lòng lắm đó là KyoAni có vẻ không mặn mà với việc xây dựng kịch tính. Mặc dù phần lớn thời gian trong anime là tập luyện thi cử nhưng tính cạnh tranh bất ngờ không cao, thay vào đó là những màn biểu khiễn khá chóng vánh và không mấy ấn tượng. Nếu bạn có thể enjoy được yuri và vấn đề nói trên thì còn lại tổng thể nội dung của Hibike Euphonium thực sự rất khá.
Một trong những nhân tố giúp tạo nên sự chân thực trong cốt truyện của Hibike Euphonium đó là nhân vật. Như đã nói thì số lượng nhân vật trong anime khá đông đảo và đa dạng, nhưng đều được phân chia lên hình rất hợp lí vừa đủ. Những suy nghĩ nội tâm của họ rất thật như các cô cậu học sinh điển hình, ai cũng có cá tính và băn khoăn riêng. Đó là hội trưởng Haruka giàu trách nhiệm nhưng quá hiền lành, không được tín nhiệm. Đó là một Natsuki nhàm chán, thiếu nhiệt tình vì những sự kiện không hay trong CLB trước đây. Những nỗi niềm riêng của họ tưởng chừng đơn giản và không có gì mới lạ, nhưng được khai thác hiệu quả và có chiều sâu. Chúng chân thật gần gũi vì đều là những vấn đề thực tế mà hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt, như việc từ bỏ CLB để tập trung thi đại học, việc một học sinh năm cuối chịu áp lực từ năm nhất giỏi hơn mình, hay cố gắng bảo vệ thần tượng một cách thái quá.

Nổi bật nhất trong đó là Asuka, nhân vật phụ tỏa sáng nhưng cũng bí ẩn nhất trong toàn bộ anime. Người xem thấy cô nàng xuất hiện qua các trò đùa hời hợt, qua sự tự tin vui vẻ và tư chất của một nhà lãnh đạo, nhưng không ai thực sự hiểu về con người này. Anime xây dựng rất tốt tính cách giả tạo bí hiểm của nhân vật này, hi vọng Asuka sẽ được khai thác nhiều hơn ở phần tiếp theo. Một nhân vật nữa cũng khá thú vị là thầy Noboru. Không giống như các giáo viên khác trong anime luôn nhiệt tình tâm huyết với học sinh, ông thầy này có vẻ hơi thiếu trách nhiệm, nhưng thực ra luôn giữ thái độ vừa phải, chỉ đứng ra giải quyết vấn đề khi cần thiết để học sinh tự nỗ lực.
Quay trở lại với nhân vật chính, ban đầu Kumiko xuất hiện mờ nhạt và kém nổi bật, nhưng dần dần tính cách được bộc lộ ra khá thú vị. Kumiko rất khác với hình ảnh “gái ngoan” thường thấy của KyoAni, mà ngược lại có nét giống với các nhân vật nam của hãng này: hờ hững, chậm chạp, thiếu sức sống vì mất đi niềm nhiệt huyết với âm nhạc và mục đích của mình. Thậm chí cô nàng còn hơi xấu tính vì nói tục, thẳng thắn đến mức hay lỡ lời làm phật lòng người khác và sống “cuốn theo chiều gió”. Với mỗi người thì Kumiko lại tùy có thái độ giao tiếp khác nhau: vui vẻ với Midori và Hazuki, đốp chát với Shuuichi, nghiêm túc trước Reina hay lễ phép hơn với khóa trên. Kumiko lựa chọn lối sống an toàn, giữ khoảng cách, ít trách nhiệm, không muốn mất lòng ai và rất thiếu quyết đoán. Bằng chứng là từ nhỏ cô chọn euphonium theo lời giáo viên vì cả lớp không ai chọn, rồi bị bạn lôi kéo vào CLB kèn mặc dù muốn đổi đời ở CLB khác, hay gia nhập nhóm của Asuka chỉ vì bị thúc ép. Thế nhưng một phần trong Kumiko vẫn kháng cự khỏi bị đưa đẩy theo hoàn cảnh, cái còn thiếu là một động lực đủ lớn. Và đó chính là Reina. 
Ngược lại với Kumiko, Reina rất cá tính, trung lập, không quan tâm người khác nghĩ gì. Cô là hình mẫu lí tưởng của Kumiko, một người tràn đầy niềm đam mê âm nhạc và sức sống tuổi trẻ. Mặc dù rất tài năng nhưng Reina không bao giờ hài lòng với bản thân mà luôn nỗ lực tập luyện để trở nên đặc biệt. Ở bên một người như thế thì Kumiko không thể không thay đổi. Cô bị cuốn theo cá tính mạnh mẽ của Reina, được thúc đẩy hành động và sống có lí tưởng.

Anime chỉ cần một vài tập để phát triển nhân vật Kumiko, đưa cô trở thành một trong những nữ chính tốt nhất của KyoAni bên cạnh Haruhi Suzumiya (Haruhi series). Sự thay đổi của cô từ từ chậm rãi theo từng tập phim. Khi mọi người quyết tâm hợp sức đi đến giải quốc gia, kể cả Natsuki cũng nghiêm chỉnh và nhiều thành viên cốt cán bị loại bỏ, thì Kumiko mới bắt đầu nghiêm túc. Vì cô là người thiếu chính kiến dễ bị ngoại cảnh tác động nên nhanh chóng bị cuốn vào không khí đó. Bên cạnh sự động viên của Reina, Kumiko lại càng hăng hái, nhiệt tình và chăm chỉ hơn. Và đỉnh điểm là tập 11 cô bị loại khỏi đội solo cũng là lúc phát triển nhân vật lên đến cao nhất, Kumiko đau đớn vì mới có động lực thì công sức luyện tập bỗng thành vô ích, nhưng hơn thế cô tức giận vì không cố gắng từ sớm mà lãng phí tuổi trẻ của mình. Đó là lúc cô nhận ra “Tôi muốn giỏi hơn, tôi muốn giỏi hơn nữa”.
Nói một chút về cảnh này, nhiều người cho rằng đây là cảnh xuất sắc nhất trong bộ phim, mình thì ngược lại. Thứ nhất là dáng chạy hơi kì, thật khó tin là KyoAni lại vẽ tay chân ẩu thế này trong một cảnh quan trọng. Thứ hai là biểu cảm mặt và cử chỉ rất overreact (ảnh dưới), không cần làm quá lên như thế để diễn tả sự đau khổ. Mình sẽ không khó tính nếu như đây là một cảnh phim bình thường, nhưng nó là cảnh quan trọng nhất anime, thể hiện nội tâm mãnh liệt và bước ngoặt trong con người Kumiko. Từ đầu đến cuối thì anime có rất ít overreact đáng kể, nhưng y như rằng cứ đến đoạn drama cao trào thì KyoAni thường thể hiện quá tay. Hơi tiếc vì một chút nữa thôi là hoàn hảo rồi, đoạn chạy trước đó biểu cảm rất tốt, vậy mà lúc chạy xong không tốt được như thế.

Phần nhân vật của Hibike Euphonium còn có một điểm trừ khá lớn, đó là Hazuki và Midori. Sẽ không có gì đáng nói nếu họ là nhân vật phụ, nhưng Hazuki và Midori lại là hai trong bốn nữ chính, thời lượng lên hình rất nhiều nhưng lại lãng phí nó. Ban đầu Hazuki còn tận dụng tốt screentime vào câu chuyện học nhạc và tình cảm cá nhân, nhưng về sau lại mờ nhạt dần, chỉ được nhớ tới như một cây hài vui vẻ. Trong khi đó Midori lại moe quá đà và cư xử trẻ con, hơn nữa lại không có gì để khai thác, vì vậy thời gian lên hình của cô trở nên thừa thãi. Thực tế là các nhân vật còn lại trong anime đều rất sát thực, thế nên sự xuất hiện của nhân vật này ngây thơ, trong sáng “chỉ có trên phim” khá lạc loài. Có thể thấy Hazuki và Midori còn kém nổi bật hơn cả nhiều nhân vật phụ như Kaori, Natsuki, Haruka…
Về mặt hình ảnh, Hibike Euphonium lung linh không hề thua kém so với Hyouka, là một trong những anime đẹp nhất những năm gần đây, thậm chí có thể sánh ngang hàng với nhiều tác phẩm movie. Đây là một điều rất đáng nể vì so với những anime học đường khác thì Hibike Euphonium có rất nhiều cảnh miêu tả đám đông. Và đám đông này không chỉ gồm nhân vật quần chúng mà còn là mấy chục thành viên đội hòa tấu, đòi hỏi lên hình giống nhau, đồng đều nhau, không ai làm nền của ai. Cái khó hơn là họ không ngồi yên một chỗ mà suốt ngày đánh trống thổi kèn, liên tục chuyển động, mà toàn những cử động rất nhỏ như miệng, ngón tay… Làm animation cho các cảnh chơi nhạc như vậy yêu cầu kĩ thuật khó và sự tỉ mỉ không kém cảnh action. Vậy nhưng KyoAni luôn giữ animation rất nhuyễn từ đầu đến cuối.

Bên cạnh đó Hibike Euphonium cũng đầu tư thể hiện các loại nhạc cụ. Thực tế các loại nhạc cụ trống, kèn… có rất nhiều tiểu tiết cầu kì, thế nhưng chúng luôn được vẽ và phối màu rất ấn tượng, lên hình sáng bóng y như thật. KyoAni cũng là số ít studio rất chú ý đầu tư cho việc thay đổi trang phục nhân vật thường xuyên. Cảnh nền thì cực chất, các hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng khéo léo, những cảnh cận rất có hồn và chi tiết. Đặc biệt Hibike Euphonium có nhiều cảnh phim diễn ra ở một bờ đê nhưng không bao giờ trùng lặp nhau, lên hình mỗi lần mỗi khác, thậm chí để ý cả những cái như ban ngày thì thủy triều xuống còn ban đêm nước ngập một phần đê. Nói chung khoản background của KyoAni thì bài review nào cũng khen, hết vốn từ để miêu tả rồi. Các bạn xem ảnh và tự cảm nhận.
Chuyển động mặt nước y như thật
Bờ đê vào buổi tối
“Đặc sản” hoa anh đào của KyoAni
Tỉ mỉ đến từng viên gạch trên vỉa hè.
Cảnh trên cao rất đẹp và chi tiết
Trông giống một bức ảnh chụp ngoài đời hơn là vẽ
Kèn euphonium sáng loáng rất giống thật
Thiết kế nhân vật thì KyoAni tiếp tục dùng lại style trước đây và vẫn rất phù hợp với anime. Tuy nhiên mình cũng hi vọng studio sẽ đổi khác một chút vì kiểu này hơi nhàm rồi và không mấy ấn tượng, nhìn ai nấy đều tựa tựa nhau, nhất là các nhân vật nam như Shuuichi không khỏi khiến người ta ngờ ngợ đã thấy ở đâu rồi. Biểu cảm nhân vật thì rất tốt, đặc biệt là Kumiko có nhiều biểu cảm đa dạng thú vị. Bên cạnh đó khó studio nào qua mặt được KyoAni về việc chăm chút cho nhân vật nền, tất cả họ đều có nét đặc trưng riêng chứ không bị lược hết mắt mũi như nhiều anime khác. Các nhân vật đều moe tự nhiên ngoại trừ Hazuki, Midori và Yuuko. Ba nhân vật này thường phản ứng thái quá và moe rất gượng.
Thành viên dàn nhạc rất đầy đủ chi tiết, chưa tính các nhân vật khác như giáo viên, gia đình, bạn cấp II, đoàn diễu hành...

Cuối cùng là về âm nhạc và lồng tiếng. Anime kể về dàn nhạc cổ điển vốn kén người nghe, nên không thể dùng những bản nhạc quá hàn lâm, còn nếu quá phổ biến thì làm mất tính chất thi thố. Vì vậy mình đánh giá cao cách anime lựa chọn những bài giao hưởng khéo léo, vừa tầm. Tuy nhiên ngoại trừ nhạc hòa tấu trong kì thi thì nhạc nền của Hibike Euphonium không nổi bật. Nó sẽ được khen ngợi nếu ở một bộ phim khác, còn Hibike Euphonium là musical anime nên người xem có quyền kì vọng OST đặc sắc hơn. Trong khi đó, OP và ED đều rất bình thường không có gì đáng nhớ, lồng tiếng thì ngoại trừ Hazuki và Midori moe méo giọng như bị tịt mũi còn lại đều ổn; nhất là Minako Kotobuki đã diễn tả rất tốt tính cách tự tin, sôi nổi của Asuka.

Trong số này có một cảnh anime dùng nhạc rất xuất sắc, đó là trận thi đấu giữa Kaori và Reina. Tiếng kèn của Kaori rất chuẩn, trong sáng và trôi chảy, điều này khiến người xem băn khoăn làm thế nào Reina có thể thắng. Tuy nhiên khi Reina bắt đầu trình diễn thì một người mù nhạc cũng có thể cảm nhận được ai tốt hơn. Âm nhạc của cô dạn dĩ, vang vọng và rất có hồn, đưa cảnh phim này trở nên có chiều sâu và đáng nhớ hơn tất thảy. Anime không dùng nhạc dở cho Kaori để làm nổi bật Reina, mà để Kaori thể hiện rất tốt tương xứng với tài năng của cô ấy và Reina lại càng tốt hơn nữa. Đó là điều rất đáng khen ngợi.

Nhìn chung, Hibike Euphonium đã chứng tỏ KyoAni rất mạnh tay đầu tư cho sản phẩm của mình, xứng đáng là sự kế thừa những anime thành công trước đây. Hình ảnh đẹp hơn, nội dung nghiêm túc hơn, cải thiện đáng kể các vấn đề trong những anime đời trước của hãng, Hibike Euphonium là một trong những tựa phim sáng giá nhất mùa Spring 2015. Nếu như bạn lo ngại yuri thì anime còn có phần nhìn rất ấn tượng để xem mà.
Overall: 7.5
Người viết: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Back To Top