2016 đã qua đánh dấu một năm rất thành công của anime. Chúng ta được chứng kiến vụ mùa bội thu ở mảng comedy, slice of life và sự trở lại vượt ngoài mong đợi của studio DEEN. Nối tiếp đó là hàng loạt các tác phẩm gây nhiều sóng gió trong cộng đồng fan.
Mob Psycho 100 chiêu đãi bữa đại tiệc về animation, Flip Flappers ngập tràn sự sáng tạo, Keijo đã định nghĩa lại fan-service, Yuri!!! on Ice khai màn những đề tài táo bạo, Re:Zero dậy sóng với cơn bão best girl, Space Patrol Luluco khẳng định cá tính của Trigger, 91 days vực dậy một chủ đề bị quên lãng, và không thể không nhắc đến Your name - một mốc son mới trong lịch sử phim hoạt hình… Quá nhiều điều để nói về thế giới anime trong 2016. Như một bài tổng kết, hãy cùng TopTenHazy nhìn lại năm qua với những series sáng giá nhất trong các hạng mục dưới đây.
*Lưu ý: Bài viết chỉ xếp hạng Tv series kết thúc trong năm 2016 và không tính phần tiếp theo như Hibike! Euphonium ss2, Jojo Bizarre Adventure Part 4: Diamonds are unbreakable, Haikyuu!!! Ss2 + 3, Natsume's book of friends ss5…
Best Animation: Mob Psycho 100
Dữ dội, máu me mà vẫn thanh thoát, đó là cảm giác mà phần đồ họa của Koutetsujou no Kabaneri đem lại. Mang mác style Shingeki no Kyojin nhưng Koutetsujou no Kabaneri còn nhỉnh hơn ở thiết kế nhân vật long lanh như mơ và concept steampunk thời Edo lạ mắt. Và nó cũng giữ lại cả những điểm yếu như art thiếu ổn định. Tales of Zestiria thì đúng chất nhà unlimited budget studio: hoành tráng, cầu kì trong background, combat và hiệu ứng. Bất cứ lúc nào ấn nút pause cũng có thể có một wallpaper. Tuy nhiên anime dùng CG chưa thật sống động, nhân vật kém nổi bật và hài hòa với khung cảnh. Trong khi đó Flip Flappers lại gây ấn tượng nhờ art style phong phú, rực rỡ đầy sáng tạo. Cùng với đó là action mạnh mẽ, góc quay linh hoạt và choreography chuyên nghiệp. Thật không may nó được sinh ra cùng năm với quả bom animation mang tên Mob Psycho 100. Không hào nhoáng lung linh, không tỉ mỉ chi tiết, Mob Psycho 100 nguệch ngoạc một cách độc đáo, vẽ tay uyển chuyển và quay phim chất lừ. Những cảnh hành động trong anime tràn ngập sakuga ngoạn mục thiêu đốt thị giác của người xem, để rồi chúng ta không biết nói gì hơn ngoài sự ngưỡng mộ lớn lao dành cho các animator.
Best Cast: Kono Subarashii Sekai ni Shukufuku wo!
Dàn nhân vật phong phú và lôi cuốn chính là ưu thế to lớn nhất đem đến sức hấp dẫn cho các tác phẩm này. Drifters bày ra trước mắt chúng ta hàng loạt tên tuổi có thật trong lịch sử: Oda Nobunaga, Hijikata Toshizo, Adolf Hitler, Hannibal, Joan of Arc… Chứng kiến các danh nhân từ Đông sang Tây ở mọi thời đại ngồi xỏ xiên nhau, khoe tầm vóc quả không có gì thú vị hơn. Tuy vậy 12 tập phim trở nên ít ỏi để thể hiện được hết cái hay của những nhân vật này. Hai đề cử khác ở mảng comedy sở hữu bộ sậu nhân vật đồng đều hơn. Các nhân vật của Tanaka-kun wa Itsumo Kedaruge thì hài hòa, dễ chịu, còn trong Saiki Kusuo no Sainan lại bẩn bựa, khác người. Dù vậy họ vẫn có thể bị thay thế và thiếu những cá tính ấn tượng như trong KonoSuba. Chúng ta sẽ rất khó quên cái chết bất hủ cùng những phát ngôn để đời của Kazuma; hay cô thần Aqua giỏi ăn tàn phá hoại nhưng dốt mọi thứ; rồi em pháp sư Megumin bá đạo nhưng dễ hết xăng; và có lẽ không ở đâu có những vai phản diện khổ hơn anime này… Sống động, độc đáo và đầy màu sắc, dàn nhân vật của KonoSuba xứng đáng giành được ngôi vị này.
Best Story: Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu
Best story là hạng mục dành cho những anime có cốt truyện hấp dẫn, dẫn dắt tài tình, world-building vững chắc, nhịp phim cân đối, tình tiết chặt chẽ… Dựa trên những tiếu chí trên, Fune wo Amu, 91 Days và Joker game đều là những đề cử sáng giá. Fune wo Amu sở hữu lối kể chuyện rất tuyệt vời, nhưng lỡ mất một nhịp ở timeskip để lại sự hụt hẫng không đáng có. 91 Days sẽ được ưu ái nhờ tính original và chủ đề lôi cuốn, dù vậy việc xây dựng bối cảnh thế giới ngầm còn đơn giản và cái kết hạ nhiệt sẽ là những điểm trừ hi hữu. Cùng thể loại là Joker game với đề tài mới mẻ về giới điệp viên, nhưng việc đi theo hình thức episodic lại là cản trở lớn để tác phẩm thể hiện hết tiềm năng của mình. Khắc phục được những nhược điểm đó, Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu dễ dàng trở thành best story của năm nay. Câu chuyện cuộc đời của hai con người trong tình yêu với Rakugo chưa bao giờ hấp dẫn hơn thế. Anime xoay vần giữa thời thế, chiến tranh, tình bạn, tình yêu, định kiến, bi kịch… Cách sắp đặt tình tiết khéo léo, nội dung trưởng thành và có chiều sâu đã giúp Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu trở thành viên ngọc sáng của 2016.
Best Soundtrack: Yuri!!! on Ice
2016 không phải là năm của nhạc phim, bằng chứng là OST của Koutetsujou no Kabaneri, Re:Zero rất hay nhưng bị lãng phí trong những cảnh phim nghèo nàn về xử lí nhạc. Ngược lại thì OST của Amanchu được dùng nhiều hơn cần thiết, mặc dù hiệu quả của nó trong việc xây dựng không khí slice of life đặc trưng của anime là điều không thể chối cãi. Sáng giá nhất vẫn là Tales of Zestiria nhờ cách lồng ghép nhạc cực kì tốt trong combat, dù vậy việc dùng lại soundtrack của game khiến người viết không khỏi lăn tăn. Nếu được chọn ngoài Tv series, người viết sẽ không ngần ngại chọn Gundam Thunderbolt bởi OST vượt trội so với các tác phẩm cùng năm, nhưng ở đây sự lựa chọn tốt hơn cả có lẽ là Yuri!!! on Ice. Ngoài những cảnh trượt băng thì âm nhạc của anime khá mờ nhạt. Tuy vậy một khi đã dùng thì nó thực sự tỏa sáng đủ làm lu mờ những đề cử nói trên. Chúng ta sẽ không quên Eros, Agape, Yuri on Ice, Theme of king JJ, Still alive… từng khiến ta say mê như thế nào. Anime đưa ta đi qua đủ thể loại nhạc: giao hưởng, dân gian, pop, techno, big band… với âm giai đa dạng và sự quyện hòa tuyệt vời giữa phần nhìn và phần nghe.
Best Opening: Mob Psycho 100
Re:Re của Boku dake ga Inai Machi cực kì bắt tai nhưng phần minh họa còn đôi chỗ lúng túng. 91 Days cũng tương tự vì bài hát ma mị và đầy sức hút, quá hay so với lối kể chuyện đơn điệu trong opening. Hài hòa hơn về cả phần nghe là nhìn là Kiznaiver nhưng nó cũng có thể khiến đầu óc bạn quay cuồng bởi lớp lớp hình ảnh, màu sắc được tung ra ở nhịp độ cao. Trong khi đó, với animation uyển chuyển và âm nhạc đẹp, Yuri!!! On Ice sẽ dành được best Opening nếu không lặp lại vũ đạo và hát tiếng Anh mượt mà hơn. Và như vậy cảm tình của người viết đã ngã ngũ về ứng viên còn lại - Mob Psycho 100. Theme mở đầu này đưa người xem vào một mớ hỗn độn: cà chua, bom nổ, súp lơ, takoyaki, muỗng ăn, xương rồng… Điều tuyệt nhất là những chi tiết không liên quan này được móc nối với nhau bằng kĩ thuật biên tập cực kì sáng tạo và điêu luyện, thể hiện thế giới hình ảnh không có giới hạn. Opening miêu tả một cách độc đáo nhân vật Mob với nỗi sợ, cuộc sống thường nhật, các mối quan hệ và sự bùng nổ cảm xúc. Cuối cùng, phần trình diễn animation hoành tráng đã kết lại hoàn hảo Opening này.
Best Ending: Flip Flappers
Ending của Boku dake ga Inai Machi rất thành công trong việc khắc họa không khí rùng rợn, bất an. Space Patrol Luluco tiếp tục Gainax style bằng kĩ thuật cắt ghép hình vẽ nhân vật vào đời thật. Yuri!!! On Ice lại một lần nữa được xướng tên cho thấy thế mạnh âm nhạc của nó như thế nào. Koutetsujou no Kabaneri và Re:Zero nhỉnh hơn về phần nghe với bài hát catchy. Còn Mob Psycho 100 lại nhỉnh hơn phần nhìn nhờ nghệ thuật vẽ trên kính rất khó và kì công. Dù vậy những chủ đề này vẫn thiếu sự độc đáo để vượt qua Flip Flappers. Ending này chia đôi khung hình, một nửa miêu tả cuộc phiêu lưu của Papika và Cocona bằng một bức tranh trải dài mang tông màu cổ tích. Nửa còn lại thể hiện tương tác và tính cách của hai nhân vật chính qua hình ảnh chơi đùa hết sức đáng yêu. Bài hát và hình ảnh hợp rơ hoàn hảo với nhau, miêu tả những trạng thái: bí ẩn, lo sợ và niềm vui trong cuộc hành trình của hai cô gái. Có thể nói Ending này chính là định nghĩa của Flip Flappers: dễ thương, sáng tạo và đầy sắc màu.
Best Voice Acting: Akira Isida
Matsuoka Yoshitsugu lồng tiếng cho Betelgeuse có thể nói là vai diễn xuất thần của anh, khiến người ta quên đi Kirito (Sword art online), Sora (No game no life)… Chúng ta còn có "Hai, hai. Kazuma-desu" của Fukushima Jun trong Konosuba, người đã đem đến những màn xỏ xiên với giọng điệu hờ hững không thể buồn cười hơn. Về phía nữ thì Takahashi Rie làm chủ năm nay với hai nhân vật nổi bật: Megumin (Konosuba) và Emilia (Re:Zero). "Explosion" bất hủ của em pháp sư đủ trở thành waifu của Michael Bay. Chỉ có thể nói rằng những seiyuu xuất sắc này đã thiếu may mắn khi phải cạnh tranh với Akira Isida. Anh đã lồng tiếng cho nhân vật từ niên thiếu đến lúc về già, thể hiện một Yakumo đứng đắn, lạnh lùng với vô vàn biến chuyển cảm xúc trong Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu. Với âm vực rộng và tông giọng đa dạng, anh cho thấy tài diễn xuất linh hoạt nhiều vai rakugo cùng một lúc, nhất là phần trình diễn vở Shinigami khiến người ta không khỏi rùng mình. Yakumo Yuurakutei hẳn là mốc son trong sự nghiệp của Akira và là một tượng đài diễn xuất của giới anime.
Best Studio: BONES
Có thể thấy là năm nay A-1 Pictures đã cố gắng làm ăn chỉnh tề hơn: nửa đầu cuốn hút của Boku dake ga Inai Machi, sự đầu tư cho Hai to Gensou no Grimgar, quay phim độc đáo trong Occultic;Nine và tác phẩm sáng giá ngoài lế Shelter. Trong khi đó Trigger tiếp tục sự nghiệp cứu vớt ngành anime bằng hai original khá ổn Kiznaiver và Space Patrol Luluco. Đáng kể nhất năm nay là Deen đã trở lại xuất thần cùng Konosuba và Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu. Người viết rất muốn ưu ái Best studio cho Deen bởi không biết khi nào họ lại thọt. Dù vậy chúng ta cũng khó tảng lờ đi một vài con hàng rất đáng thủ tiêu như Hatsukoi Monster hay Ao Oni the Animation. Và như vậy chiến thắng đã thuộc về BONES nhờ phong độ ổn định và đồng đều, đặc biệt là rất biết cách phát huy thế mạnh action của họ. Có vẻ như họ muốn tạo nên một cơn địa chấn trong giới anime khi tung ra hàng loại tựa phim hot. Phần 2 Bungou Stray Dogs vượt ngoài mong đợi, Boku no Hero Academia là một bộ shounen chỉn chu hiếm có, Mob Psycho 100 thì phô diễn animation đỉnh cao, chưa kể đến sequel chất lượng của Concrete Revolutio và Akagami no Shirayuki-hime.
Best Action: Mob Psycho 100
Ufotable vốn nổi danh với các anime hành động nên không quá bất ngờ khi có mặt Tales of Zestiria trong đề cử. Tiếc rằng cốt truyện tầm trung của nó không đủ xứng tầm với những cảnh action hào nhoáng. Flip Flappers thì thiên về adventure nhiều hơn, dù anime có rất nhiều trận đánh được biên đạo vô cùng xuất sắc. Boku no Hero Academia cũng rất đáng được ghi nhận nhờ sự hoàn thiện về mọi mặt giữa thời buổi hiếm hoi anime shounen chất lượng. Nếu có hạng mục trận đánh hay nhất thì All Might vs Nomu có thể xứng đáng ở vị trí đầu tiên, còn anime hành động hay nhất thì đành phải nhường ngôi cho một bộ ít generic và animation đỉnh hơn: Mob Psycho 100. Bài viết này quá ngắn ngủi để phân tích những cảnh hành động ấn tượng và ngoạn mục trong bộ phim. Hình ảnh chất lượng cao xuất hiện dồn dập gần như mỗi phút như khẳng định sự vượt trội của nó ở thể loại action. Mỗi cảnh phim đi qua không ngừng khiến người xem kinh ngạc trước tài năng và tâm huyết của các animator. Mob Psycho 100 thực sự là một đại tiệc thị giác, làm sống lại cảm giác hưng phần vô cùng mà người ta từng nhận được từ siêu phẩm hành động One Punch Man.
Best Comedy: Kono Subarashii Sekai ni Shukufuku wo!
Đây thực sự là năm bội thu ở mảng comedy khi xuất hiện rất nhiều anime nổi bật. Osomatsu-san với bộ sậu seiyuu hạng A đã đưa chúng ta đến với thế giới kì quặc và hài hước của sáu anh em nhà Osomatsu. Dù vậy, tính bựa nhảm và art "thập cổ lai hi" của nó có thể khó chiều lòng các khán giả khó tính. Tanaka-kun wa Itsumo Kedaruge là ứng viên sáng giá khác với nhân vật chính lười biếng khá đặc biệt, nhưng người viết tin rằng người ta nhớ anime này nhờ không khí thư giãn hơn là để cười thật nhiều. Nếu có một anime hài đến mức lăn lộn thì đó là Saiki Kusuo no Sainan. Show này ghi điểm nhờ các gag đa dạng, không lặp lại và tính vui nhộn ổn định nhất trong số những series kể trên. Tuy nhiên ở đây, người viết lại bình chọn cho KonoSuba, một con hàng chứa nhiều chi tiết rập khuôn nhưng biết cách đạo diễn độc đáo để không nhàm chán. Đó là biểu cảm nhân vật sống động, cách cắt nhạc vừa in tạo nhịp độ tấu hài, cách châm biếm thâm thúy thể loại dị giới, chăm chút tiểu tiết tạo tính cách đặc trưng của nhân vật, và diễn xuất lồng tiếng thì không thể mong đợi nhiều hơn nữa…
Best Drama: Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu
Chất lượng đè số lượng, đó là lời tổng kết cho các tác phẩm drama năm nay. Chúng ta không quên Boku dake ga Inai Machi đã khiến ta hồi hộp như thế nào mỗi tuần, nơm nớp lo sợ cho số phận các nhân vật chính. 91 Days lại xây dựng một hành trình trả thù đầy bi kịch và cao trào. Dù vậy cả hai anime đều rơi vào trường hợp đầu xuôi đuôi thọt, nhiều lỗ hổng. Trong khi đó Fune wo Amu tuy rất thành công trong việc gây dựng các vấn đề xoay quanh Majime và Nishioka, song yếu tố drama ở đây lại khá nhẹ. Và như vậy Best drama đã tìm được chủ nhân của nó: Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu. Không có nhiều cao trào, không tear-jerking hay câu chuyện to tát, anime chỉ kể cuộc đời của hai người đàn ông. Một là thiên tài rakugo nhưng bị bỏ rơi giữa định kiến đương thời và miếng cơm manh áo, một thì loay hoay đi tìm con đường của bản thân để rồi phải lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp. Anime khắc họa một cách chân thực cuộc đấu tranh của họ, những sai lầm, bi kịch, những ganh tị, đớn đau và cả niềm vui, đam mê, hi vọng… Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu đã đưa ta đi qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn bất kì bộ phim nào.
Best Fantasy/Adventure: Flip Flappers
Mặc dù khắc họa thế giới giả tưởng rất thành công nhưng cốt truyện khuôn mẫu một lần nữa bó hẹp con đường của Tales of Zestiria đến với Best Fantasy. Drifters thì ngược lại, sở hữu tình tiết thú vị nhưng lại không mặn mà với world-building. Hai to Gensou no Grimgar lại ghi điểm nhờ xây dựng bối cảnh chỉn chu, mạch phim rõ ràng, chậm mà chắc và phát triển nhân vật tương đối tốt. Tuy nhiên khoản đồ họa tươi sáng lại là nét hạn chế để thể hiện không khí sống còn. Giữa quá nhiều anime theo mô típ RPG game những năm gần đây, khi các con hàng chuyển thể light novel dần xói mòn với những tình tiết rập khuôn thì sự xuất hiện của Flip Flappers như một sự khẳng định đanh thép về sự sáng tạo. Mỗi tập phim lại đưa người xem đến với một thế giới giả tưởng khác biệt nhau không thể nào đoán trước, lạ lẫm nhưng kì thú. Ngay cả khi plot gần như không tồn tại ở nửa đầu phim, khán giả vẫn dễ dàng bị cuốn vào những cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ của Cocona và Parika. Có thể thấy những người thực hiện đã đặt nhiều tham vọng vào Flip Flappers như một tác phẩm đa thể loại, đậm tính giải trí mà vẫn có được chiều sâu.
Best Romance: ReLIFE
Thật không may đây là một năm nghèo nàn ở thể loại romance. Kono Bijutsubu ni wa Mondai ga Aru là một bộ comedy hay nhưng yếu tố tình cảm lãng mạn lại ít ỏi. Những tác phẩm thuần romance như 12 sai, Orange, Nijiiro days lại nhạt nhòa đủ làm người ta muốn quên đi. Người viết cũng tự cảm thấy kì cục khi đề cử Space Patrol Luluco, dù rằng xét về tổng thể anime này chất lượng hơn cả. Còn Honobono Log là một tác phẩm tình yêu đích thực với những phân cảnh trong trẻo dịu dàng như một bài thơ, có thể làm xiêu lòng bất cứ ai, nhưng nó quá ngắn ngủi và đơn giản để đạt được một thành tựu như "Anime romance xuất sắc nhất". Sau rất nhiều băn khoăn thì người viết buộc phải trao ngôi vua xứ sương mù cho ReLIFE. Khán giả dù có nhặt được cả đống sạn từ bộ phim này thì cũng khó có thể tảng lờ đi những thông điệp đẹp đẽ của nó về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ. Romance không phải yếu tố chính của tác phẩm nhưng vẫn được khắc họa rất dễ thương và hài hòa. ReLIFE có thể không phải anime gây ấn tượng với bạn ngay từ tập đầu tiên, nhưng nó đủ hấp dẫn để giữ chân bạn đến phút cuối cùng.
Best Slice of life: Fune wo Amu
Đầu năm chúng ta có cô phù thủy vô tư trong Flying witch và anh chàng làm biếng khó đỡ của Tanaka-kun wa Itsumo Kedaruge. Hai tác phẩm đều khắc họa thành công cuộc sống thường ngày của các nhân vật với một không khí nhẹ nhàng, thư thái. Nhưng chính không khí đó cùng với việc không có cốt truyện làm cho những anime này dễ dàng ru ngủ những ai thiếu kiên nhẫn. Amaama to Inazuma lại kết hợp khéo léo giữa công việc nấu ăn với câu chuyện gia đình ấm áp, tuy vậy nửa sau anime lặp lại gây đôi chút nhàm chán. Amanchu thì đánh dấu sự trở lại của Satou Junichi với môn lặn rất mới lạ, song những thiếu sót làm nó trở nên khập khiễng nếu phải so với các tác phẩm trước của ông. New game cũng là một tựa anime vui nhộn cùng dàn nhân vật moe hết cỡ, sẽ tuyệt hơn nếu các tình tiết và nhân vật bớt trẻ con một chút. Nổi bật hơn cả là Fune wo Amu, một tác phẩm hiếm muộn ở cuối năm nhưng đã đem đến câu chuyện rất cuốn hút về những người làm từ điển. Khám phá tình yêu và sự nghiệp của họ, chúng ta thêm thấu hiểu và trân trọng cống hiến lặng thầm của những con người đi tìm vẻ đẹp của biển ngôn từ. Best Slice of life không nghi ngờ gì thuộc về anime này.
Best Mystery/Thriller: 91 Days
Đối với các fan dòng Mystery thì 2016 có thể làm bạn hài lòng. Ajin từng bị ném đá thậm tệ vì CG nhưng thật ngạc nhiên nó khá hợp với chủ đề phim, kế đó là Satou - khó có thể phàn nàn về vai phản diện quá ấn tượng này. Boku dake ga Inai Machi cũng là một anime giàu kịch tính, hay về drama nhưng yếu về mystery. Không khó để soi các chi tiết thiếu chặt chẽ trong một đề tài cần nhiều chất xám như điều tra án và du hành thời gian. Joker game thì ngược lại, hay về mystery nhưng thiếu mạch truyện xuyên suốt để xâu chuỗi nhân vật và sự kiện, khiến nó nhạt nhòa, dễ quên. Và như vậy, kín tiếng nhưng hấp dẫn hơn cả, 91 Days xứng đáng làm chủ ở mảng này. Hội tụ những mô típ điển hình của dòng phim mafia: trả thù, phản bội, các phi vụ, chiến tranh băng đảng… rõ ràng những người thực hiện không có ý định làm tươi mới thể loại. Tuy nhiên họ nỗ lực tận dụng các tình tiết cũ mòn ấy để tạo nên một cốt truyện nghiêm túc chỉn chu, khiến cho khán giả có cảm giác được trân trọng hơn khi xem. Bộ phim xứng đáng là người thừa kế tinh thần của The Godfather, Scarface hay Goodfellas mà chúng ta từng yêu quý.
Bạn có đồng ý với bảng xếp hạng này, hãy chia sẻ cảm nhận bên dưới nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com