Tuy đã qua đi gần một thế kỷ, những đau thương, mất mát do chiến tranh
nói chung, hay thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản nói riêng, vẫn còn âm ỉ. Bằng
một lòng thấu hiểu và cảm thông sâu sắc, đạo diễn Katabuchi Sunao cùng ê-kíp
của studio MAPPA đã tái hiện chân thực sự kiện Hiroshima qua "Kono Sekai
no Katasumi ni" - tựa anime danh giá đoạt giải "phim hoạt hình hay
nhất" của Giải thưởng Viện Hàn lâm Nhật Bản năm 2017.
"Kono Sekai no Katasumi ni" được chuyển thể từ tựa manga cùng
tên của tác giả Kouno Fumiyo. Anime lấy bối cảnh vào những năm 1940, giai đoạn
cuối của Đệ nhị Thế chiến, gắn liền với sự kiện bom nguyên tử ở Hiroshima và
Nagasaki. Chiến tranh từ hiện thực lịch sử là một đề tài khó khai thác qua
anime: trong khi phim ảnh người thật chiếm ưu thế hơn, các tựa anime điện ảnh
được công chiếu trong thời gian qua chủ yếu là về tuổi học trò, viễn tưởng,
pháp thuật... Liệu anime này có thực sự chạm đến được tâm hồn khán giả Việt?
Tuổi thơ êm đềm
Phần đầu anime là một bản nhạc nhẹ nhàng, chậm rãi về tuổi thơ của Suzu.
Cô vốn từ nhỏ là một đứa trẻ hay lơ đễnh, ngơ ngác, sống ở nơi quê nhà
Hiroshima yên bình trong chiến tranh đang là thời cuộc chung. Trong bản nhạc thanh
bình ấy, một số tình tiết mang chút hơi hướm cổ tích, bí ẩn được thêm vào,
chẳng hạn như "ông yêu quái" bắt Suzu và chồng tương lai của cô đi
trong cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người, hay cô bé rách rưới trông như ma
quỷ xuất hiện tại nhà bà ngoại. Cứ như thế, phần đầu của Kono Sekai no Katasumi
ni trôi qua êm đềm, xen lẫn vài tình tiết gây cười từ sự hậu đậu, ngây thơ của
Suzu, đúng như một giai điệu đẹp đẽ của tuổi thơ.
Vì là phần đầu, mang nặng tính giới thiệu, anime sử dụng rất nhiều những
cảnh quay rộng, bao quát, vừa thể hiện sự yên bình thời bấy giờ, vừa khiến
người xem choáng ngợp trước khung cảnh rộng lớn, sung túc của Hiroshima. Mặt
khác, các cảnh phim vẽ tay cũng vô cùng sáng tạo, tùy hứng theo góc nhìn của
nhân vật. Đây có lẽ là điểm để lại ấn tượng sâu sắc nhất về mặt hình ảnh.
Chẳng hạn, khi Tetsu, người bạn thuở cấp sách đến trường của Suzu, nói rằng
những con sóng trông như những chú thỏ, bức tranh Suzu vẽ trở thành một đoạn
phim chuyển động với một đàn thỏ trắng nhảy nhót trên mặt nước, tạo nên một
khung cảnh vừa tráng lệ, vừa dễ thương.
Những năm tháng khói lửa
Mạch phim được đẩy lên nhanh và hấp dẫn hơn không bao lâu sau khi Suzu
về nhà chồng. Cô được một gia đình ở Kure dạm hỏi, và về làm dâu ở xứ người.
Suzu bắt đầu chứng kiến những đổi thay trong cuộc sống, đồng thời người xem
cũng cảm nhận được diễn biến phim bắt đầu hấp dẫn lên. Một mặt, về đời sống gia
đình, cô phải đối phó với nhà chồng, đặc biệt là cô chị dâu. Một mặt, chiến
tranh bước vào thời kỳ leo thang: Kure liên tục bị tấn công bằng đường hàng
không, máy bay xả đạn; viện trợ cho người dân bị cắt giảm, khẩu phần ăn trở nên
đạm bạc. Cứ như thế, mạch phim được đẩy lên nhanh hơn, tuy không đáng kể, nhưng
vẫn cho thấy được sự căng thẳng, khốn khó do chiến tranh liên miên gây ra. Và
cũng như hầu hết thời lượng bộ phim, câu chuyện được kể xoay quanh Suzu nên
khán giả không rõ tình hình chiến sự cụ thể. Điều này góp phần tăng thêm tính
chân thật, vừa thể hiện sự thiếu thốn thông tin, vừa đặt người xem vào trạng
thái hoang mang của nhân vật.
Tuy diễn biến trở nên căng thẳng, bộ anime vẫn không thôi tạo cảm giác
nhẹ nhàng, vui vẻ cho người xem, những tình tiết hài vẫn không hề thiếu. Chẳng
hạn như khi cả nhà cười no khi Suzu ngốc nghếch lại bị nghi là gián điệp, hay
trong một đợt tấn công của quân địch, cha chồng của Suzu ngủ thiếp đi giữa đồng
trống khi máy bay địch đang bắn phá. Qua đó, khán giả vẫn cảm thấy thư giãn,
phim giữ được nét đời thường như ở phần đầu.
Đớn đau và tuyệt vọng
Kono Sekai no Takasumi ni là một bộ anime gắn liền với chiến tranh, khi
chiến tranh lên đến đỉnh thì cũng là lúc mà tác phẩm bắt đầu bước vào giai đoạn
nặng nề. Các thảm họa liên tục ập xuống gia đình Suzu nói riêng và Nhật Bản nói
chung. Quân địch không ngừng oanh tạc Kure. Suzu bị bom nổ mà mất đi bàn tay,
bất lực, không cứu được mạng sống của bé Harumi, con gái của chị chồng. Đói
kém, chết chóc triền miên. Đó là giai đoạn đau đớn nhất, và cũng là giai đoạn
hấp dẫn nhất. Không hành động gây cấn, không rượt đuổi hồi hộp, nhưng phim vẫn
khiến cho người xem phải nín thở một cách lạ kỳ trước tấn bi kịch đổ xuống cuộc
đời Suzu. Khi bé Harumi bỏ mạng vì bom nổ chậm, khán giả được xem những cảnh
phim trừu tượng, không tuân theo quy luật. tạo nên cảm giác mờ ảo như một giấc
mơ. Phim được vẽ bằng nét vẽ ngây thơ của trẻ con, nhưng lại khiến người xem
đau đớn hơn bao giờ hết, khi sự ngây thơ ấy bây giờ đã đẫm màu của máu. Đây là
một cảnh phim mà ít ai có thể cầm được nước mắt.
Giai đoạn khó khăn nhất cũng là giai đoạn mà tinh thần của người phụ nữ
hậu phương được thể hiện mạnh mẽ nhất. Tinh thần ấy là tiếng khóc thảm thương
của Suzu khi nghe tin Nhật Bản đầu hàng. Đó là tiếng khóc của một người con,
người vợ đã hết mình vì gia đình, của một người dân đặt niềm tin vào tổ quốc.
"Chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu đến cùng rồi cơ mà! Tôi vẫn còn tay trái
và hai chân cơ mà!" Đã bao lần Suzu cũng như biết bao nhiêu con người Nhật
khác bị đẩy vào cảnh khốn khổ tột cùng, nhưng đây mới thực sự là dấu chấm hết
đớn đau. Đớn đau nhất chưa phải là mất mát, mà là mọi sự mất mát đều trở nên vô
nghĩa khi quân Nhật đầu hàng.
Những cánh đồng bất tận hòa bình
Dù thua cuộc, mất mát và đau đớn, chiến tranh rồi cũng qua đi, để lại
cho con người một lòng tin về tương lai hòa bình, êm ấm. Niềm hy vọng ấy được
Kono Sekai no Katasumi ni thể hiện một cách trừu tượng, đột ngột và tùy hứng.
Một cảnh phim hoàn toàn khác lạ xuất hiện: một đứa trẻ mất đi người mẹ trong
chiến tranh, đứng giữa hình ảnh máu thịt, xác người vương vãi không khỏi khiến
cho người xem rùng mình. Rồi cảnh phim lạ lùng ấy được gắn kết với mạch phim
chính khi đứa trẻ mồ côi được vợ chồng Suzu nhận nuôi. Đứa bé ấy vừa là lời
nhắc nhớ về nỗi đau khổ thời đạn bom, vừa là hạt giống cho ngày mai tươi sáng - một sự lồng ghép diệu kỳ, mang đầy tính tượng trưng.
Tuy mang nặng những mất mát cho chiến tranh để lại, Kono Sekai no
Katasumi ni hoàn toàn không phải là một bộ anime căm thù, oán trách. Tác phẩm
tránh đề cập đến quân địch, cụ thể là quân đội Mỹ. Những cảnh thật sự đề cập
lại là những hình ảnh đẹp, dễ thương, chẳng hạn thỏi sô-cô-la dễ thương mà anh
lính Mỹ tặng cho em gái của Suzu như một món quà cảm ơn vì cô đã chỉ đường cho
anh.
Và bộ anime khép lại với niềm tin và khát vọng hòa bình. Một lần nữa, ở
đoạn kết, đạo diễn Katabuchi Sunao thể hiện sự lão luyện trong việc dựng những
cảnh phim trừu tượng, mang tính tượng trưng cao. Đó là một đoạn phim giản đơn,
mộc mạc như trí tưởng tượng của Suzu. Ở đó có Suzu và Rin, người bạn đồng
hương. Trong giấc mơ, hai người là hai cô bạn cùng trang lứa, cùng dắt tay nhau
chạy trên những cánh đồng bất tận hòa bình. Trong giấc mơ, Rin là nỗi khát khao
quê nhà được hòa bình, những người con sinh ra ở đó được lớn lên, tay chân lành
lặn. Giấc mơ đó như là một thông điệp mà Kono Sekai no Katasumi ni muốn gửi đến
khán giả.
Góc khuất của thế giới
Tóm lại, dưới một cái nhìn tổng thể, Kono Sekai no Katasumi ni là một
bức tranh hoàn hảo. Bộ anime được đầu tư tỉ mỉ cho từng khung hình, từng bản
nhạc; các tình tiết được được xây dựng một cách cân bằng và hài hòa, vừa nhẹ
nhàng và kèm theo đôi chút hài hước, vừa đau đớn, tuyệt vọng, lại vừa thắp lên
niềm tin. Và trên những cơ sở đó, tác phẩm gửi gắm đi những thông điệp đẹp đẽ
về hòa bình. Hoàn toàn không có chỗ cho lòng hận thù, đó là một bức tranh đẹp
và thuần khiết, để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.
Người viết: Razor
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn:
toptenhazy.blogspot.com