May 24, 2020

FULLMETAL ALCHEMIST: BROTHERHOOD VÀ TRAO ĐỔI ĐỒNG GIÁ


Fullmetal Alchemist Brotherhood và trao đổi đồng giá
Chúng ta đều biết Thất đại tội đóng một vai trò quan trọng trong anime, vậy series này vay mượn từ đâu các yếu tố tội lỗi làm chủ đề xuyên suốt? Hãy cùng tìm hiểu trong bài cộng tác đầu tiên của chúng tôi với MAL Featured Club.
Một trong những nét nổi bật nhất của bản chuyển thể 2009 từ manga Fullmetal Alchemist là sự nhất quán về chủ đề. Có thể thấy rõ điều này trong cách xây dựng Homunculus - yếu tố quan trọng giúp chúng ta hiểu được sự gắn bó mật thiết của tác phẩm đối với luật trao đổi đồng giá mà nó đã đặt ra.
Có lẽ không mấy ai còn lạ gì với Thất đại tội. Đây là những trọng tội được Giáo hội Công giáo xác nhận vào khoảng thế kỷ 5 sau công nguyên và được biết đến rộng rãi nhờ tác phẩm Thần Khúc của Dante Alighieri hàng trăm năm sau đó.  Mặc dù Dục vọng, Phàm ăn, Tham lam, Phẫn nộ, Kiêu ngạo, Ghen tị, Lười biếng mang nhiều ý nghĩa khác về mặt tôn giáo, nhưng trong Fullmetal Alchemist: Brothethood (FMAB), chúng ta dễ dàng nhận thấy các homonculus phù hợp với các tội lỗi tương ứng của mình. Từ những hành động gợi dục của Lust, sự tham ăn cồn cào của Gluttony cho đến cơn khát quyền lực của Greed. Tuy nhiên đó không chỉ ám chỉ các tội lỗi của homonculus. Thần khúc của Dante được chia làm ba phần gọi là Hỏa ngục, Luyện ngục và Thiên đường. Trong hai phần đầu, nhà thơ Dante du hành qua các tầng địa ngục và ngọn núi Luyện ngục, và ông đã chứng kiến cảnh con người phải trả giá cho những tội lỗi họ phạm phải. Trong khổ 20 của Hỏa ngục, Dante đã miêu tả sự trừng phạt này là contrapasso (sự tương phản), về cơ bản có nghĩa là các hình phạt “giống hoặc tương phản với tội lỗi đã vi phạm”.
Ý tưởng này xuyên suốt trong toàn bộ FMAB, nhưng thể hiện rõ ràng hơn cả trong hình ảnh các homonculus. Mỗi homonculus đều phải chịu kết cục ứng với bản chất cái tên của chính mình, thậm chí một số người còn nhận phải những hình phạt giống như trong Thần khúc của Dante.
Fullmetal Alchemist Brotherhood Dante Thần khúc
Ngọn núi Luyện ngục trong Thần khúc của Dante
Đơn cử như cái chết của Lust (Dục vọng) và Sloth (Lười biếng). Lust bị đại tá Roy Mustang thiêu sống, trong khi đó hòn đá Triết giá của Sloth bị tiêu biến vì sử dụng quá mức trong trận chiến với chị em nhà Amstrong. Tương tự như thế trong Luyện ngục của Dante, những kẻ dâm đãng ở tầng cao nhất bị thiêu sống sau một bức tường lửa, còn những kẻ Lười biếng buộc phải đi lại suốt đời quanh tầng thứ tư của ngọn núi. Đối với Dục vọng của Dante và Lust của Hiromu Arakawa, ngọn lửa chính là biểu tượng cho sức nóng của đam mê, vậy nên cái chết của Lust là phải chịu một ngọn lửa với mức độ mãnh liệt giống như vậy. Tương tự, sự nhiệt tình và công sức mà Sloth bỏ ra trong trận chiến trái ngược với bản tính biếng nhác của hắn ta giống như Lười biếng ở Luyện ngục. Cái cách mà họ chết phản chiếu ngược lại hoặc tương đương với loại tội lỗi mà họ đại diện. Một lưu ý thú vị khác về sự ảnh hưởng của Dante trong vũ trụ Fullmetal Alchemist đó là thứ tự các homonculus bị giết gần như chính xác với trình tự ngược lại trên núi Luyện ngục của Dante. Điều này chắc hẳn không có gì nhiều để phân tích sâu thêm nhưng nó cũng đã cho thấy sự tương đồng và những ảnh hưởng chung lên Fullmetal Alchemist.
Dĩ nhiên không phải hình phạt nào dành cho homonculus cũng giống như lời thơ của Dante, nhưng dù thế nào thì kết cục của họ vẫn liên quan đến khái niệm contrapasso về sự tương phản. Mỗi homonculus là hiện thân của một tội lỗi mà họ được đặt tên, đồng thời như một sự công bằng mỉa mai thì họ cũng gặp phải thất bại khắc nghiệt y hệt như vậy. Envy (Ghen tị) tự vẫn trong sự đố kị tột cùng với loài người, Gluttony (Tham ăn) bị ăn sống, Greed (Tham lam) bị giết mà không có gì trong tay, thậm chí không có cả bè bạn. Wrath (Phẫn nộ) thì bị giết bởi một người đàn ông mang trong mình sự căm phẫn còn lớn hơn cả hắn, và được sự ủng hộ của cả một dân tộc từng bị Wrath thảm sát.

Fullmetal Alchemist Brotherhood và trao đổi đồng giá
Kết cục của các homonculus quả thực trớ trêu, nhưng quan trọng hơn cả là sự trừng phạt này phù hợp với các tội lỗi, bởi lẽ gần như tất cả họ đều phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt nhất cho tội của mình. Tội lỗi là một motip xuyên suốt trong anime và sự “trao đổi đồng giá” này còn được áp dụng lên cả các nhân vật người hùng. Chỉ khác là họ là đã sống sót vượt qua nó.
Tầm nhìn của Roy Mustang về quyền lực chính trị đã bị đánh đổi với đôi mắt mù lòa; việc cố gắng hồi sinh đứa con cũng khiến cho Izumi bị mất đi một phần nội tạng một cách tàn nhẫn. Còn hai người hùng của chúng ta trong câu chuyện thì không ngừng tìm cách lấy lại các bộ phận cơ thể khuyết thiếu của mình, đó là hình phạt phản lại cho việc cố gắng tái sinh thể xác và linh hồn người mẹ đã mất. Như vậy nguyên tắc “trao đổi đồng giá” của thuật giả kim và sự tương phản không mấy khác nhau khi nói đến tội lỗi và trừng phạt trong FMAB. Trong thế giới của Fullmetal Alchemist, có vẻ như các người hùng phải đối mặt với những hình phạt nhưng không bị ảnh hưởng đến tính mạng, trong khi đó cái ác phải chịu trả giá đắt một cách thích đáng. Tương tự như thế trong thơ Dante, mức độ nhân quả khác nhau phụ thuộc vào bản chất tội lỗi và nơi hình phạt diễn ra là ở Địa ngục hay Luyện ngục.

Fullmetal Alchemist Brotherhood Pride
Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm có thể thấy rõ nhất trong cuộc đối chọi giữa Edward Elric và Pride (Kiêu ngạo), homonculus duy nhất không bị tan biến thành tro bụi. Pride sống sót ở cuối câu chuyện dường như không phải trùng hợp ngẫu nhiên, vì tội lỗi mà cả Edward và Alphonse phải chịu trách nhiệm đó là sự kiêu ngạo: kiêu ngạo về khả năng của bản thân, kiêu ngạo vào sức mạnh mà thuật giả kim đem tới cho cuộc sống của họ. Chính vì kiêu ngạo mà Edward cùng Alphonse đều đánh mất đi một phần của chính mình, và có lẽ bởi vì Edward hiểu được mức độ sai lầm đã phạm phải nên cuối cùng cậu đã tha cho Pride. Pride và Edward giống nhau ở một điểm là đến cuối, cả hai người bọn họ đều mất đi khả năng sử dụng thuật giả kim. Chỉ khác nhau ở sự lựa chọn: Edward tình nguyện chọn một cuộc sống không có thuật giả kim - năng lực đã dẫn đến những sai lầm và nguồn gốc tội lỗi kiêu ngạo của cậu. Mặt khác, Pride thì bị buộc phải biến thành một đứa trẻ vô dụng và không hề hay biết về con người kiêu hãnh trước đó của mình. Dĩ nhiên là Pride trong quá khứ sẽ thấy tệ hại vô cùng trước hình dạng mới này. Đây cũng chính là sự tương phản. Thần khúc của Dante đã miêu tả rằng có những sự trừng phạt còn tồi tệ hơn cả cái chết. Trong trường hợp của Pride, có thể nói rằng hình phạt dành cho hắn - sự thương hại từ một kẻ hắn cho là thấp kém hơn về mọi mặt - thực ra còn tồi tệ hơn rất nhiều so với số phận bè lũ còn lại của hắn.
Từ những nhận định này, chúng ta có thể kết luận rằng ý tưởng “trao đổi đồng giá” của Fullmetal Alchemist không chỉ áp dụng đối với sức mạnh của giả kim thuật, mà còn cả bản chất của tội lỗi và trừng phạt nữa. Cho dù chúng ta có gọi nó là quả báo, tương phản hay trao đổi đồng giá, ngoài chủ đề cơ bản là để có được sức mạnh cần có sự hi sinh tương đương, thì câu chuyện còn thể hiện rằng mỗi sai lầm, tội lỗi hay vi phạm đạo đức đều phải chịu sự trừng phạt tương ứng như vậy. Với các người hùng của chúng ta, những ý định tốt đẹp, công bằng đạo đức hay động cơ đầy cao quý đã giúp họ thoát khỏi hình phạt khủng khiếp nhất, nhưng thế giới của Fullmetal Alchemist: Brotherhood đôi khi rất khắc nghiệt, dù một vài người được coi là người tốt cũng không thể tránh khỏi khỏi sự tàn nhẫn của thế giới này.
Những trường hợp của homonculus hoàn toàn phù hợp với triết lý giả kim này và đúng theo các điều luật đó, hành động tàn bạo và độc ác của chúng đã gặp phải kết cục thảm bại không kém.
Người dịch: Super_Ry
Nguồn: MAL
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn và link bài gốc đi kèm: Toptenhazy