Trong thế giới anime ngày nay, khi các đặc điểm thể loại đã trở thành
quy chuẩn bão hòa và khán giả dễ dàng chấp nhận chúng trong câu chuyện, thì một
số tác giả muốn tạo ra tác phẩm khác biệt với phần còn lại của đám đông bằng
cách đi ngược lại những quy ước đó.
Oresuki là một trường hợp như thế, cố gắng đảo ngược cấu trúc và làm mới
các motip cũ rình của thể loại harem để dọn một bữa ăn khác lạ cho người xem.
Liệu nó thành công hay chỉ là một sản phẩm hữu danh vô thực?
- Tên chính thức: Ore wo Suki nano wa Omae dake ka yo
- Thể loại: Harem, Comedy, Romance, School
- Studio: Connect
- Năm phát hành: 2019
- Số tập: 12
- Rating: 4.14 (Anidb); 7.42 (Myanimelist)
Tóm tắt
Anh chàng Amatsuyu Kirasagi được senpai xinh đẹp Cosmos và cô bạn thời
thơ ấu Himawari hẹn ra gặp riêng. Cứ ngỡ hai cô nàng đáng yêu ấy sẽ tỏ tình với
mình, Amatsuyu mừng rỡ đến gặp riêng từng người một. Thế nhưng, đời không như
là mơ, hoá ra người mà cả hai nàng cùng thích là bạn của cậu ta. Thất vọng tràn
trề, nhưng đường tình của cậu không dừng tại đó. Có một cô gái luôn ngắm nhìn
cậu, đó là một cô nàng u ám, đeo cặp “đít chai” dày cộm và tóc thắt bím.
Amatsuyu không ưa cô nàng ấy tí nào nhưng hoá ra đó mới là người thật lòng
thích cậu.
Cảm nhận
Với tựa đề clickbait, những chi tiết hài sáo ngữ và các đặc điểm nhân
vật dễ sao chép, OreSuki tỏ ra là một kẻ hiểu rõ thị hiếu. Nắm bắt vững vàng
những yếu tố rập khuôn này của dòng harem để mơi gọi khán giả, rồi sau lưng nó
lại ngấm ngầm chuẩn bị cho một nước đi đập lại chính các quy chuẩn này làm
người xem không kịp trở tay. Chẳng hứng thú hay sao khi ta chứng kiến những
diễn biến trật lất khỏi dự đoán và sự hiếu kì được chọc đúng chỗ.
Ngay từ tập mở đầu, anime đã khôn khéo sử dụng các chi tiết trùng hợp có
chủ ý để tạo tính hài hước. Câu chuyện của Cosmos và Himawari giống hệt nhau
một cách nực cười, từ khởi đầu ở trận bóng chày, chi tiết chiếc ghế “huyền
thoại” và ý định ngược ngạo của hai cô gái làm nam chính và người xem đồng thời
vỡ mộng. Những tình huống này hiệu quả bởi nó không ngại lừa khán giả, và khán
giả cũng chẳng ngờ được họ bị lừa những ba lần trong cùng một tập. Tình tiết
sau lại phản ngược lại tình tiết trước, luôn có điều gì đó bất thường đang âm
thầm diễn ra đặt người xem vào tâm thế cảnh giác. Hẳn là ở bước đầu, anime đã
thành công trong việc khuấy động sự chú ý và tương tác với trí tò mò của chúng
ta.
Chứng kiến một nhân vật lẽ ra luôn được “nâng như nâng trứng, hứng như
hứng hoa” trong cái thể loại yêu thương nam chính vô điều kiện này lại đang bị ăn
bả và vùi dập lên xuống, có lẽ là cái thú vui không nhỏ giữ chân người xem. Các
kế hoạch của Joro luôn bị đổ bể bởi các sự kiện ngẫu nhiên bất ngờ nào đó, như cái
vuốt ve xoa dịu định kiến của khán giả về các nam chính harem ngu ngốc lắm gái
theo. Còn OreSuki như muốn chứng tỏ Joro tôi đây khác hẳn mấy anh kia, chẳng
tốt bụng gì cho cam và cũng chả được tác giả chiều chuộng. Thích hai nàng thì
cả hai quay qua đổ ông bạn thân, còn tránh như tránh tà một em khác thì chả
hiểu sao lại đổ mình. Hiểu rõ cái sự mâu thuẫn ngược đời này hài đến mức nào,
anime không dại gì không đánh vào đó để gây cười. Tiếc thay ba tập đầu cũng là
chặng đường thú vị nhất của nó.
Và thế là mới tập 4, anime đã bắt đầu tỏ ra cạn xăng giữa đường, bị dìm
đuối dần bởi ý tưởng của chính mình mà không màng đổi mới. Mặc dù tạo dựng bối
cảnh và đẩy cao trào tương đối ổn, khi Joro liên tục bị chất vấn và hoang mang
trước các tình tiết tréo ngoe với ý định tốt của cậu ấy; nhưng đến vòng xử lý
vấn đề thì tác giả lộ điểm yếu về mặt writing. Cao trào của câu chuyện được
giải quyết một cách không thể khiên cưỡng hơn: những suy luận để lộ mặt “thủ
phạm” đậm tính Conan như đúng rồi, và cài cắm các nhân vật cũng như màn thú
nhận thiếu thuyết phục for-the-sake-of-plot. Anime đang bẻ cong tính cách của
Sun-chan, Cosmos và Himawari nhằm tạo ấn tượng “oan ức” cho Joro để nâng tầm sự
tốt bụng của cậu ấy. Nhưng điều cuối cùng đọng lại, là một Sun-chan xấu tính đột
ngột khó tin, còn hai nàng trở mặt nhanh chóng như chưa từng có tình cảm gì
trước đó. Tệ hơn là sau tất cả, họ lại có thể cười nói bên nhau không mảy may
khó xử sau nỗ lực hòa giải chưa đầy vài phút. Dường như tác giả cứ nương theo chủ
ý của bản thân theo cốt truyện sẵn có mà quên đi tâm lý và động cơ nhân vật
cũng phải hợp lí trôi chảy với mạch truyện đó.
Những góc quay xấu xí không có ích trong việc kể chuyện
Ta có thể tạm chia anime làm bốn arc: tư vấn tình cảm, vũ hội, đi làm
thêm và giải cứu thư viện. Sau arc đầu tiên thì Joro lộ bộ mặt thật và quyết
tâm xây dựng dàn harem cho riêng mình. Có thể nói đó là “bước ngoặt” tạo thành ý
tưởng và giai điệu chính trong suốt phần còn lại của anime. Song có ai nhận ra
rằng anime chẳng hề nương tựa theo cốt truyện này, không có động lực thúc đẩy
câu chuyện phát triển mà chỉ cố nới rộng vòng tròn harem dù nhân vật chính chả cần
động tay. Và để bù đắp cho sự thiếu hụt to lớn đó, tác giả tạo ra hết xung đột
này đến xung đột khác, thêm thắt nhiều nhân vật mới để níu chân người xem mà
không vạch ra rõ ràng nội dung chính là gì. Cố ném vào nhiều thứ nhất có thể
với hi vọng điều gì đó thành công, nhưng nó chẳng thể lu mờ được cảm giác hoang
mang khi theo dõi các diễn biến lộn xộn không có một cái sườn chung để bám vào.
Thứ duy nhất thú vị còn lại là các khoảnh khắc hài hước cũng trở nên mất
dần hứng thú, vì những nỗ lực thất bại của tác giả trong việc pha trộn giữa hài
kịch và chính kịch. Một vài lần thì vui, nhiều lần lại nhàm chán, người ta
chẳng thể cười mãi vào một thứ còn anime lại cố chấp với các joke cường điệu lặp
lại như modus operandi. Khán giả thông minh hơn anime nghĩ, một khi đã quen với
nhịp độ đó sẽ dễ dàng đoán được các “twist” và hướng đi của tình huống. Trong
khi câu chuyện chừa chỗ cho rất nhiều khoảnh khắc tình cảm khẽ khàng cần thiết
để “bù lỗ”, thì sự tinh tế chẳng phải thế mạnh của anime này. Một bộ romcom mà lung
lay ở chính hai mảng quan trọng nhất: romance và comedy thì còn gì để trông
chờ? Hay là những drama bị làm quá lên với cách xử lí vấn đề ngờ nghệch không
hiểu nổi?
Ít nhất anime cố gắng độc đáo và bứt thoát ra khỏi các motip luẩn quẩn
của thể loại harem, và điều đó đáng được trân trọng. Tuy nhiên điều tệ nhất ở
đây, là khi một câu chuyện cố gắng hình thành giải cấu trúc (deconstruction),
đảo ngược cấu trúc (subvertion), châm biếm (satire) hoặc nhại lại (parody) một thể
loại, cuối cùng lại mắc phải chính những cái bẫy mà nó đang cố giải. Mục đích
của việc đó là gì nếu kết quả vẫn quay lại giống hệt các trope cũ. Tại sao phải
cho Joro tính cách hai mặt, dù suy cho cùng mặt tốt vẫn chiếm ưu thế giống các
nam chính harem khác? Tại sao phải tỏ ra không màng harem từ đầu nhưng về sau
càng củng cố một dàn gái hoành tráng hơn? Ừ thì OreSuki muốn trở nên đặc biệt,
và đúng là nó đặc biệt, nhưng theo một cách sai lầm. Nó muốn chứng tỏ mình không
giống với các bộ harem tầm thường ngoài kia, nhưng thực ra đều cùng hội cùng
thuyền đâu khác gì nhau.
Nhân vật self-insert ta bắt gặp rất nhiều trong anime, là hình mẫu lý
tưởng của tác giả mà cụ thể trong harem thường mang những tính cách tốt bụng,
hoàn hảo, được người người yêu mến. Đối lập là kiểu nhân vật kịch hóa được
xây dựng theo hướng thực tế, bi kịch, có những khiếm khuyết hoặc sai lầm và
quyết định độc đáo. Tuy nhiên trộn lẫn hai kiểu này, một bên cá tính yếu và
một bên cá tính mạnh chân thực thì không thể nào thành được, đó là cái tham của
OreSuki khi xây dựng nhân vật Joro. Nó vừa muốn cậu ta mang những đặc điểm lý
tưởng của hệ quy chiếu harem, đủ những phẩm chất tốt đẹp để có gái theo; mặt
khác lại muốn có sự riêng biệt, có những mặt tối sâu sắc. Bề ngoài tốt bụng,
bên trong xấu xa, nhưng thực chất tốt bụng, có mâu thuẫn không chứ? Khi các
phương diện self-insert và kịch hóa của nhân vật bị choảng nhau, kết quả
cho ra một kiểu tính cách giả tạo, thiếu thực tế hơn là chất, là đặc sắc.
Cuối cùng Joro vẫn chẳng khác gì các anh chàng harem nhàm chán thường
thấy, vì mặt xấu của cậu ta chẳng thể gọi là xấu mà bị trung hòa theo một cốt
truyện thiên vị nam chính ngay từ đầu. Cá tính đâu chả thấy, chỉ có những phản
ứng phóng đại quá mức làm cho Joro giống như đang diễn kịch nhờ ơn của
animation chật vật và gượng gạo. Những khoảnh khắc “break 4th wall” cũng chẳng
cứu vãn được các đoạn độc thoại nội tâm được lồng tiếng một cách rùng rợn và
thay đổi ngữ điệu chênh đột ngột so với tính cách nhân vật. Nếu Joro là kiểu
nhân vật self-insert thì ta không ngại xem anime như một bộ harem bình thường,
và hạ thấp tiêu chuẩn sẽ là một cách hay để giữ độ enjoy. Còn pha tạp các hình
mẫu tính cách chỉ khiến nhân vật thiếu nhất quán, không nguyên bản, lừa dối
khán giả hoặc thậm chí thu nạp thêm ác cảm ở người xem.
Các nhân vật còn lại liệu có khá khẩm hơn? Pansy là một “thánh phán”
thông minh đến độ nhìn thấu tâm can của tất cả mọi người và đường đi nước bước
câu chuyện nhờ có sự phù hộ độ trì của tác giả, cùng với tình yêu vô điều kiện
với Joro một cách gượng ép. Tài tình đến vậy mà nàng lại chẳng thể tự giải quyết vấn đề cá nhân
chả có gì đáng nói trong arc cuối, phải nhường đất diễn cho vai chính của chúng ta. Anh bạn Sun-chan liên tục bị bôi đen rồi lại
tẩy trắng, trước sau bất nhất nhằm phục vụ cốt truyện, rồi lại dễ dàng được bỏ
qua mọi lầm lỗi dù trước đó suýt hãm hiếp một cô gái. Himawari và Cosmos là
những nhân vật fanservice không hơn, đột nhiên rơi vào vòng harem mà không có
lấy một tí hint với Joro trước đó. Và khi nhận ra vai trò của họ trở nên ít
quan trọng hơn trong cốt truyện, các “nữ chính” này bị đẩy xuống hàng “team qua
đường” lên hình chỉ để đủ bộ harem.
Mỗi khi một nhân vật trở nên cũ kĩ không thể đào sâu khai thác nữa, một
cô gái mới không biết từ đâu ra sẽ được thêm vào như một dòng chảy waifu không
bao giờ kết thúc. Tiếc thay các nhân vật mới không những không cứu cánh được
cho câu chuyện mà còn gây khó chịu nhiều hơn. Mỗi cô gái được đặt biệt danh
theo một loài hoa và tác giả chảy thây tới mức lấy luôn tính cách nhân vật từ
đặc điểm của loài hoa đó. Cosmos là hoa chuồn chuồn thuần khiết, Himawari là
hướng dương ấm áp lạc quan, Pansy là hoa bướm thủy chung, Tsubaki là hoa trà ngưỡng
mộ, Tanpopo là cây bồ công anh đáng yêu, Sasanqua là cây chè mai… Thậm chí
Sun-chan nghĩa là mặt trời còn Joro có nghĩa bình tưới nước, vâng toàn liên
quan đến cây cỏ mà chắc chắn ngoài đời chả có ai cùng tên như thế tập trung
cùng một chỗ. Các nhân vật thiếu bề sâu, thiếu cái tôi cá nhân và thừa độ ngô
nghê để dễ dàng rơi vào tình yêu một cách hời hợt.
Vui lòng tập trung chuyên môn để các cô gái được yên
Dường như mọi nỗ lực của tác giả để Oresuki thú vị thì càng khiến nó trở
nên nông cạn. Arc cuối cùng của anime lại là phần tệ nhất với những tình tiết
vô lý và cường điệu kịch tính quá đà. Có lẽ điều duy nhất người ta còn ấn tượng
về anime này sau một thời gian nữa sẽ là các cảnh ecchi dòm ngó các bộ phận
nhạy cảm của phụ nữ một cách khiếm nhã. Khi chủ ý một đường, máy quay một nẻo,
anime đang trưng ra sự lạc quẻ trong cách dàn dựng khi cố miêu tả các cuộc đàm
thoại nghiêm túc, nhưng camera lại được đặt ở những góc máy tọc mạch và thiếu
tinh tế. Một khi anime quan tâm nhiều hơn vào những chiếc váy xộc xệch hay bờ
môi chúm chím của các cô gái hơn các hoạt ảnh cần thiết khác, những người làm
phim cần xác định rõ ưu tiên của mình để tách bạch ecchi và serious, hoặc tôn
trọng khán giả hơn. Hoặc là họ nên nhìn vào fanservice có tâm của Shaft, Trigger,
Bones… mà tự úp mặt vào tường.
Tổng kết
OreSuki có lẽ không quá tệ tùy thuộc vào cách bạn xem những chương trình
kiểu này. Nhưng rõ ràng với những ai mong đợi thứ gì mới mẻ, sáng tạo ở đây thì
nên bớt vọng tưởng. Đội ngũ đứng đằng sau anime này có vẻ
đang tự mãn với chính mình mà lầm tưởng làm khác đi đôi chút đồng nghĩa với độc
đáo, lầm tưởng cứ để các nhân vật tỏ ra thông thái sẽ được coi là thông thái
thực sự, hay một tác phẩm có thể dễ dàng lật đổ cả để chế tropes để tạo ra
chuẩn mực mới. Trái lại, sự nỗ lực và tri thức nửa vời sẽ tạo ra cuộc cách mạng
nửa vời.
Overall: 6.5
Người viết: Hazy
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: Toptenhazy