May 13, 2020

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA EVANGELION: REBUILD VS TV SERIES

Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Rebuild of Evangelion đã nhận được rất nhiều mong đợi kể từ khi công bố ra mắt vào năm 2006. Được xem là bản remake (hoặc sequel) của Evangelion - một trong những anime ảnh hưởng nhất mọi thời đại, nên xung quanh movie này có nhiều ý kiến trái chiều.
Một bên coi Rebuild là phiên bản hoàn thiện những thiếu sót của câu chuyện trước đây, nhưng phần khác lại cho rằng nó xa rời series gốc vốn rất được yêu mến. Vậy điều gì ở Neon Genesis Evangelion tạo ra những tranh cãi như vậy và hai bản này có gì khác nhau?
Thay vì đánh giá series Rebuild như sự thay thế cho anime nguyên tác, tốt hơn chúng ta nên nhìn nhận nó như một tác phẩm độc lập mà Hideaki Anno tạo ra để suy ngẫm về series gốc trước đây. Ông nhìn nhận lại sự tuyệt vọng của mình trong Evangelion dưới quan điểm hoàn toàn mới. Mà đây vốn là vấn đề quan trọng vì chính những cảm xúc tiêu cực này mới là yếu tố chính khiến người ta yêu thích series gốc như vậy. Rất khó để bạn có thể tìm thấy tác phẩm nào lột tả sự trầm cảm chân thật hơn nữa trong văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, Rebuild không hề thay đổi cảm xúc của Hideaki Anno, mà thể hiện sự thay đổi quan điểm của ông về những cảm xúc ấy.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Nếu như anime gốc xuất phát từ góc nhìn "bên trong" của một người bị trầm cảm, thì Rebuild được kể theo góc nhìn "bên ngoài" khi đã phục hồi khỏi tình trạng đó. Sự khác biệt đơn giản này dẫn đến cách xây dựng nhân vật hoàn toàn khác nhau của hai anime. Rebuild cho phép nhân vật phạm sai lầm, trong khi series gốc dựng lên một thế giới hết sức khắc nghiệt và không hề tha thứ cho lỗi lầm xung quanh nhân vật. Nhưng nói chung, cả hai phiên bản của Evangelion đều tiết lộ cho chúng ta chân dung một người đàn ông đối mặt với quá khứ thăng trầm của chính mình ngoài đời thực.
Anno thừa nhận rằng ông đã tạo ra Evangelion từ chính con tim rỉ máu của mình. Ông biến những vấn đề cá nhân thành phiên bản của những anime mecha coming-of-age mà ông từng bị ảnh hưởng từ tuổi thơ otaku của mình. Một trong những sở thích của tôi khi xem Mobile Suit Gundam (cũng là anime yêu thích của ông) là soi các chi tiết Anno chịu ảnh hưởng của Gundam và kết hợp tạo ra Evangelion. Ví dụ như mối quan hệ lạnh nhạt giữa nhân vật Amuro và người cha tương tự như Shinji, hay cảnh cô bạn gái Lalah biến mất.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Evangelion có thể được xem như bản Gundam viết lại mà ông rất yêu thích để thể hiện cái tôi của chính ông. Nếu như những thuật ngữ vô nghĩa như zaku, gelgoog và minovsky được sử dụng để tạo cảm giác ghê gớm, đồ sộ trong thế giới Gundam thì tương tự như thế, những biểu tượng Thiên Chúa giáo cũng được dùng nhiều trong Evangelion chỉ nhằm làm câu chuyện có vẻ sâu sắc hơn.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Vậy nếu cả series Evangelion và Rebuild đều nói về sự trầm cảm thì đâu là sự khác biệt khiến chúng có hai góc nhìn “bên trong” và “bên ngoài”?. Đầu tiên nói về anime gốc trước, một hit lớn vào năm 1996 có sức tác động không kém gì vụ Third Impact. Nó tạo ra một làn sóng hâm mộ otaku, được giới chuyên môn không tiếc lời mổ xẻ và đi đầu xu hướng mà cho đến nay cũng khó anime nào làm được. Series này đã giáng một đòn mạnh mẽ, in sâu vào cả một thế hệ fan anime và ảnh hưởng đến rất nhiều các tác giả sau này.
Evangelion là một trường hợp hiếm hoi “công phá” cả về mặt giải trí và chiều sâu trong chủ đề bằng cách dần dần biến đổi mặt này sang mặt kia. Nó hội tụ tất cả những yếu tố làm nên thành công của anime mecha mainstream như gái xinh, robot ngầu lòi hay một thế giới ấn tượng được vẽ bởi các họa sĩ tài năng. Nhưng khán giả đời đầu của Evangelion không biết rằng nó được xây dựng theo một hướng hoàn toàn khác, không phải câu chuyện hành trình của người hùng người ta vẫn hay quảng bá. Ngược lại, người đàn ông chủ chốt của dự án này, Anno Hideki sẽ đưa những góc khuất tăm tối nhất trong tim mình lên màn ảnh động. 
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Neon Genesis Evangelion được yêu mến vì sự chân thật của nó trong việc lột tả sự trầm cảm. Đó không phải là kiểu “buồn lâng lâng thi thoảng” mà là sự tê liệt, cô lập hoàn toàn, từ trong sâu thẳm tin rằng mình không có giá trị và chỉ là gánh nặng của những người xung quanh. T-R-Ầ-M C-Ả-M kiểu đó đấy. Ở đây không có nghĩa là những người xem Evangelion đều tiêu cực như vậy. Mà mỗi người chúng ta đều phần nào có một chút Shinji trong bản thân mình, nhất là các fan anime nội tâm như bạn và tôi. Trước khi khán giả kịp nhận ra anime này xoay quanh vấn đề trầm cảm thì toàn bộ thế giới của Evangelion đã được thiết kế để tạo nên không khí nặng nề, tràn ngập nỗi tuyệt vọng, cô độc và bị mắc kẹt không lối thoát.
Đầu tiên, trầm cảm không đơn thuần là buồn, mà là sự trống rỗng, khô cạn cảm xúc. Các nhân vật lái EVA đều mang trong mình sự trống trải, chán ghét và ghê tởm bản thân chứ không phải nỗi buồn bình thường. Vậy nên rất nhiều những phân cảnh đắt giá nhất của Evangelion đều trơ trọi, ảm đạm và thiếu vắng, được thể hiện qua những thước phim bị chi phối bởi một tông màu duy nhất.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Màu xanh lạnh lẽo của bệnh viện.

Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Màu vàng ối của những giấc mơ

Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Màu đỏ thể hiện những nỗi đau hay những cảnh liên quan đến tận thế.
Các nhân vật cũng rất ít khi thoải mái với nhau trong một khung hình.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Khi Shinji, Rei, Asuka, Misato, Ritsuko hoặc Gendo nói chuyện với nhau, rất hiếm khi các nhân vật xuất hiện trong cùng một cắt cảnh. Còn trong những cuộc hội thoại dài, Evangelion sẽ chuyển rất nhanh cận cảnh khuôn mặt mỗi nhân vật. Kỹ thuật quay phim còn phóng đại chiều cao để thể hiện những nhân vật “không cùng đẳng cấp” với nhau.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Còn khi các nhân vật xuất hiện trong cùng một khung hình, họ rất ít khi đối mặt với nhau và ở giữa họ sẽ thường bị ngăn cách bởi một vật thể nhất định nào đó dù có thể rất nhỏ. Càng về sau thì các kĩ thuật này được sử dụng càng dày đặc thể hiện mối quan hệ giữa các nhân vật đang rơi vào bế tắc. 
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Khi các nhân vật chủ động né tránh nhau, họ giống như bị giam cầm trong một cái lồng biểu tượng cho môi trường xung quanh. Những cảnh quay này xuất hiện liên tục và tác động rất mạnh mẽ lên khán giả, vì vậy người ta lo ngại nó được giảm bớt trong Rebuild of Evangelion.
Nếu đặt những cảnh này bên cạnh nhau để so sánh thì chúng ta nhận thấy sự thay đổi rất rõ nét.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Rebuild sử dụng bảng màu ấm và sáng hơn. Dù bố trí ánh sáng vẫn như series gốc và mục đích kể chuyện của những cảnh này giống nhau, nhưng quang cảnh và màu sắc lại thiên về tự nhiên hơn. Movie cũng chứa nhiều khoảnh khắc các nhân vật có sự tiếp xúc và thân mật thực sự. Trong hình trên Rei không còn nhìn đăm chiêu vào hư vô nữa, nói chung là có nhiều giao tiếp bằng mắt và cơ thể hơn trong Rebuild. Cũng tương tự như thế, những khoảnh khắc lãng mạn giữa Shinji và Kaworu thể hiện mối quan hệ kết nối có ý nghĩa giữa hai người, chứ không phải là trò lừa dối của các Angel như trong series nữa.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Nhìn vào mặt hình ảnh mà nói thì Rebuild đã trở nên cởi mở hơn để thể hiện khả năng kết nối, phát triển và gần gũi giữa các nhân vật. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng. 
Nếu như mặt hình ảnh gợi ý cho chúng ta thấy sự biến chuyển trong cảm xúc của đạo diễn Evangelion, thì bản thân câu chuyện mới thể hiện sự thay đổi đó từ trong cốt lõi. Công bằng mà nói thì series Evangelion không hề hoàn hảo trong cách kể chuyện. Nó xây dựng một hệ thống nhân vật rất phức tạp, nhưng cuối cùng lại từ chối cho các nhân vật cơ hội đối diện với sai lầm của bản thân. Không nói đến việc bị cắt ngân sách thì hai tập cuối của series đã né tránh câu chuyện, nó bỏ ngỏ giải quyết vấn đề của các nhân vật ngoại trừ Shinji. Mà bản thân việc giải quyết mạch truyện của Shinji cũng bị gượng ép diễn ra xa rời mạch truyện chính và để lại hàng tá câu hỏi mơ hồ. Rất nhiều phê bình đã chỉ trích vào kịch bản của Evangelion một cách thẳng thắn. Chắc chắn thế giới quan bi quan của Evangelion TV series không được ủng hộ, nhưng dưới góc nhìn nghệ thuật thuần túy, thì anime lại khắc họa rất thành công cảm giác tuyệt vọng ngột ngạt khi sống chung với trầm cảm. Mục đích của Anno không phải thuyết phục người xem rằng thế giới của chúng ta cũng tồi tệ như trong Evangelion, mà là thế giới trong mắt của những người trầm cảm thực sự mục nát như vậy.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Có lẽ sự ám ảnh của Evangelion trong việc lột tả những cảm xúc trầm cảm đã biến anime trở thành câu chuyện bi kịch với nhiều lỗ hổng. Kịch bản tự chất vấn Shinji chứ không có động cơ hay sự việc nào dẫn đến sự thành công của phiên tòa tâm lý trong hai tập cuối. Nó là một Deus ex Machina mà thậm chí còn không cần xây dựng sự kiện sao cho hợp lý. Anno hiểu rõ rằng, sự phát triển nhân vật như thế này cần chính nhân vật nỗ lực để cải thiện bản thân và giao tiếp với những người xung quanh, đó mới là cách chúng ta leo ra khỏi cái hố trầm cảm. Tuy nhiên chính Anno cũng đang phải chống chọi với căn bệnh này, cho nên cảm xúc của ông không đủ rõ ràng để tạo ra khoảnh khắc kết nối giữa sự tuyệt vọng và sự phục hồi tâm lí trong câu chuyện. Ngược lại, movie The End of Evangelion đã đem đến một kết thúc tự nhiên cho các tình tiết truyện bằng cách vứt bỏ hoàn toàn cảm xúc. Nó miêu tả sự tự hủy của tất cả mọi người và cả Shinji trong sự hỗn loạn nhưng huy hoàng không kém.
Rebuild of Evangelion vẫn chưa đi đến cao trào giống như hai tập cuối của series gốc, nhưng tôi rất trông đợi ở Anno, sau 20 năm liệu có tìm thấy cách miêu tả khoảnh khắc phục hồi tâm lí hay không. Cho đến nay thì Rebuild đã cho thấy bước tiến mới của Anno trong việc diễn tả chứng trầm cảm từ góc nhìn “bên ngoài”. Nó giúp ông kể lại câu chuyện theo cách thực tế hơn mà không làm mất đi cái tôi nghệ sĩ để tạo hiệu quả về mặt cảm xúc.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Với ba bộ phim đã ra mắt, chúng ta có thể thấy rằng Rebuild cũng u ám chả kém gì anime gốc, nhưng nó cho phép các nhân vật được kết nối và có sự lựa chọn. Shinji và Rei đã bắt đầu tương tác với nhau ở cuối movie đầu tiên và dần trở nên thân thiết hơn trong bộ phim thứ hai làm cho Asuka phải ghen tị. Mặc dù Asuka luôn tỏ ra hắt hủi những người xung quanh, nhưng tận sâu là khao khát được ai đó cần đến một cách tuyệt vọng và dần trở thành cảm giác chiếm hữu người bạn cùng phòng của mình - Shinji. Bất chấp điều này thì cả Asuka và Rei đều có những khoảnh khắc phát triển nhân vật tuyệt vời. Rei bắt đầu chủ động quan tâm đến Shinji, còn Asuka đã gác qua một bên sự thù hằn một chiều để thể hiện lòng tốt bụng của mình. Dù rằng một sự kiện sau đó đã đưa tất cả trở điểm xuất phát và tận thế vẫn xảy ra ở cuối movie thứ hai, nhưng họ đã đi xa hơn so với trong series gốc, nơi mà sự kết nối giữa họ không chỉ vô vọng mà còn bất khả thi nữa. Các phi công lái EVA không còn bị tổn thương nặng nề khi tương tác với nhau mà trái lại còn hàn gắn những thương tổn đó bằng sự lựa chọn của chính mình. Nếu Anno có thể cho các nhân vật đấu tranh tìm ra giải pháp cho vấn đề của bản thân, thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng ông đã nhìn thấy nguồn gốc vấn đề của họ mà trước đó ông chưa làm được.
Trong series gốc, thế giới quá sức tàn nhẫn và thiếu công bằng đối với một nhân vật tiêu cực như Shinji. Điều này phản ánh những người bị trầm cảm thiếu động lực như thế nào và không thể lí giải được sự đau khổ của mình. Ngược lại Shinji trong Rebuild trực tiếp tạo ra những thăng trầm của cuộc đời mình bởi vì câu chuyện nhận ra rằng, mọi thứ tiếp diễn đều là kết quả sự lựa chọn của cậu. Đúng vậy, Gendo vẫn đang lợi dụng Shinji nhưng cậu cũng đang tự hủy hoại chính mình bằng cách tiếp tục tin vào con quái vật ấy ở mức độ nào đó, cho dù niềm tin đó nhỏ đến đâu. Cậu cần phải chấp nhận rằng bố chưa bao giờ yêu thương mình thì mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự.
Nếu như series gốc được phát triển theo câu chuyện cảm xúc rơi tự do vào “Vực thẳm Tuyệt vọng” (nhưng cuối cùng được cứu vãn nhờ “Bậc thang dẫn đến Sự phục hồi”), thì Rebuild lại là một chuỗi từng bước hồi phục mong manh để rồi bị tiếp tục bị vùi dập bởi “Nguồn gốc thực sự của Vấn đề”. Trong trường hợp của Shinji, cốt lõi vấn đề đó chính là người cha hết sức tồi tệ của cậu.
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Nói chung TV series Neon Genesis Evangelion xoay quanh những con người với những mớ cảm xúc hỗn loạn ngày càng trở nên tệ hơn cho đến khi họ vụn vỡ. Còn Rebuild of Evangelion vẫn kể về những nhân vật đó nhưng trong một thế giới tươi sáng hơn. Họ có thể nhìn thấy cốt lõi vấn đề và cách chữa lành những thương tổn của bản thân. Từ năm 1995, Anno dường như đã có bước tiến mới trong cuộc sống, ông kết hôn và xây dựng cho mình một đế chế thương mại riêng. Nhưng ông cũng thừa nhận mình vẫn còn rơi vào bùa mê của sự trầm cảm - hậu quả của việc quá sức trong Evangelion 3.33: You can (not) redo (Nguồn). Người trầm cảm thường tự an ủi bản thân bằng những hành động lặp đi lặp lại (giống như Shinji cứ chơi liên tục hai bài hát trên Walkman), và Anno thì vẫn tiếp tục lặp lại những câu chuyện của Shinji, Asuka và Rei. Tuy nhiên bộ phim thứ tư có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt thay đổi quan trọng. Nó đưa ra một cái kết quyết định cho câu chuyện bằng cách cho phép Shinji lần đầu tiên bước những bước chân thực sự vào thế giới của riêng mình sau hơn hai thập kỉ. Đối với nhiều người (và chính tôi), Evangelion giống như một kỉ vật thời gian của tuổi 15. Cho nên tôi khó mà tưởng tượng ra Anno sẽ làm như thế nào để định đoạt số phận của Shinji một lần nữa với tư cách một người đạo diễn hoàn toàn khác.
Dĩ nhiên, ý nghĩa quan trọng của thành tựu này cũng có thể mở ra một khả năng tăm tối hơn. Thay vì để Shinji tiếp tục sống cuộc sống của chính bản thân mình, có thể Anno sẽ cố gắng vượt qua End of Evangelion bằng cách dày vò Shinji với những hình ảnh tàn bạo hơn nữa. Cá nhân tôi thì không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Cảnh kết thúc của End of Evangelion và Evangelion 3.0 hoàn toàn đối lập nhau. Cả hai đều diễn ra trên một vùng đất hoang đỏ thẫm và chỉ còn ba phi công sống sót sau khi tận thế xảy ra. Tuy nhiên trong End of Evangelion, đây là dạng ngược của Adam và Eva khi người đàn ông và phụ nữ cuối cùng của một thế giới điêu tàn lại từ chối lẫn nhau vì những vấn đề không thể giải quyết được của cả hai, trong khi một Rei vô tri vô giác đang quan sát họ. Còn Evangelion 3.0 lại kết thúc bằng một khoảnh khắc nỗ lực kết nối với nhau khi Asuka kéo Shinji lúc này đang hết sức hoang mang đi qua vùng đất hoang. Lòng tốt trong quá khứ của Shinji cũng thức tỉnh điều gì đó trong bản sao của Rei và cô quyết định đi theo họ. Dựa trên những điều này, Evangelion 3.0+1.0 có thể sẽ là phiên bản lạc quan hơn cái hố đen tuyệt vọng của End of Evangelion. Anno cuối cùng đã có thể tìm thấy cách hồi phục cho Shinji một cách hợp lý thay vì dùng Deus ex Machina (như trong TV series) hoặc để cậu sa ngã (như End of Evangelion).
Neon Genesis Evangelion: Rebuild vs TV series
Đối với tôi, Evangelion sống động nhất là khi chúng ta so sánh Rebuild và series gốc với nhau. Các movie đã bổ sung rất nhiều cho TV series mà không làm mất đi tính hợp lý của câu chuyện. Trong Rebuild, Kaworu hành động giống như cậu đã chứng kiến tất cả những sự kiện này diễn ra trước đó. Điều này có thể suy đoán là các nhân vật cứ lặp đi lặp lại lỗi lầm của mình cho đến khi tìm được lối thoát. Dù câu chuyện đi theo hướng nào đi nữa thì tôi cũng hi vọng nó sẽ tạo ra một nền tảng mới cho cả tác phẩm lẫn người sáng tạo ra nó.
Bạn thì thích gì nhất về Neon Genesis Evangelion? Bạn thích movie Rebuild hay series gốc hơn? Hãy để lại bình luận chia sẻ với chúng tôi nhé!
Người dịch: Maki Superbia
Nguồn: ANN
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn và link bài gốc đi kèm: Toptenhazy
Back To Top