November 28, 2015

ANIME REVIEW: CLANNAD - AFTER STORY

Trong số các visual novel nổi tiếng được chuyển thể thành anime của Key, nếu như Air rực rỡ ánh nắng ngày hè, Kanon ngập tràn tuyết trắng mùa đông thì Clannad là khúc ca ngọt ngào của mùa xuân. Clannad đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người xem cho đến khi phần hai Clannad after story ra đời. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của KyoAni, anime lấy nước mắt của khán giả nhiều nhất, anime slice of life hay nhất… không phải tự nhiên Clannad after story được ưu ái dành tặng nhiều danh hiệu mà nhiều bộ phải mơ ước. Nó có những phẩm chất gì để được ca ngợi và yêu mến đến vậy?
  • Tên: Clannad: After story
  • Năm phát hành: 2008
  • Studio: Kyoto Animation
  • Số tập: 24
  • Rating (Anidb) 9.25; (Myanimelist) 9.11
Anime có một kết cấu rõ ràng và nhịp phim khá chuẩn, có thể tóm tắt thế này:
Tập 1: Các nhân vật bắt đầu kì học mới sau kì nghỉ hè. Một khởi đầu nhẹ nhàng, tuy nhiên không thể gọi là hay được nếu không muốn nói là chán
Tập 2-4: Sunohara arc, xoay quanh mối quan hệ của hai anh em nhà Sunohara và tình bạn giữa Youhei và Tomoya, có lẽ là những tập duy nhất bạn sẽ thấy Youhei trưởng thành hơn một tí.
Tập 5,6: Misae arc, đây là arc khá nhất trong toàn bộ series sau Nagisa arc, đem lại cảm giác của một episodic anime như Natsume’s book of friends vậy
Tập 7,8: Yukine arc, câu chuyện của nhân vật này khá táo bạo và bất ngờ so với Clannad nói chung.
Tập 9-21: Nagisa arc, phần chính và cũng là phần làm nên thành công của tác phẩm này
Tập 22: Kết phim, tại sao mình lại tách riêng ra thì sẽ nói sau
Tập 23: Kể lại sự kiện lúc mới bắt đầu câu chuyện
Tập 24: Tomoya kể về quá khứ trước đây cho Ushio nghe, có thể gọi là recap, hai tập này không xem cũng được.

Như vậy ngoại trừ có lời khen cho Misae arc, phần nội dung chính và hai tập cuối không liên quan lắm đến cốt truyện thì rất tiếc phải dùng từ nhảm nhí để nói về phần còn lại của Clannad after story. Sunohara được ưu ái dành hẳn ba tập nhưng toàn kể về những cái không đâu như việc hẹn hò và trình diễn comedy là chính. Comedy của Clannad after story cũng không đến từ những chi tiết được build-up tinh tế mà random và nhạt. Yukine arc còn thiệt thòi hơn vì câu chuyện rất “lạc tông”, tình tiết gượng gạo. Điểm sáng duy nhất của phần này đó là những màn action rất ấn tượng phô diễn animation hết sảy của KyoAni. Đây là hai arc dở nhất trong toàn bộ Clannad, nhưng thôi nó là vấn đề kịch bản của Key và mình mặc định nó không thuộc về Clannad AS, chỉ tính từ tập 9 trở đi.

Nội dung anime xoay quanh cuộc sống của Tomoya và Nagisa sau khi tốt nghiệp, kết hôn và có con. Khác với Clannad chú trọng về tình bạn thì Clannad AS nhấn mạnh hơn về tình yêu và gia đình. Anime sở hữu một story cực kì hay rất hiếm gặp, vốn dĩ Nagisa arc của visual novel cũng đã được đánh giá cao thuộc hàng hay nhất không chỉ trong Clannad mà toàn bộ tác phẩm của Key nói chung. Bộ phim đưa người xem vào cuộc sống đời thường của các nhân vật, từ cảnh ăn uống vui chơi, những vật lộn kiếm tiền, đau ốm khó khăn hay mâu thuẫn… Tất cả toát lên sự chân thật như đời sống một gia đình Nhật Bản điển hình, rất sát thực và gần gũi. Anime kể chuyện rất bình tĩnh, chậm mà chắc, không ôm đồm mà biết cách chọn lọc những sự kiện quan trọng và đi sâu vào những khoảnh khắc đắt giá. Thậm chí với phong độ đó nếu có kể giông dài cho đến lúc Tomoya về già thì vẫn có thể cuốn hút người xem đến cuối.

Điểm mạnh của Clannad AS là drama, phải nói là vượt trội và ấn tượng. Nó được build-up từ mùa trước với lời nhắc nhở: sự kết thúc của tuổi trẻ đơn thuần chỉ là khởi đầu của một cuộc sống khác. Một người bình thường bỗng nhiên trắng tay thì rất đáng thương. Nhưng một người không ngừng nỗ lực vươn lên, đang chìm đắm trong hạnh phúc với một viễn cảnh tươi sáng, trong một đêm bỗng dưng mất đi tất cả những gì quan trọng nhất thì càng đáng thương gấp bội. Drama của Clannad AS được xây dựng theo hướng đó. Phần đầu anime khắc họa Tomoya hạnh phúc bao nhiêu thì về sau đau khổ bấy nhiêu. Anh trải qua rất nhiều thăng trầm và có những mất mát đổ ập lên Tomoya khiến người xem cảm tưởng như ngày tận thế. Tính kịch và tragedy của anime được đẩy lên đến đỉnh điểm, và chính điều này đã lấy đi nước mắt của khán giả nhiều nhất. Đến khi tất cả kết thúc, người xem sẽ nhận được những bài học nhân văn về giá trị cuộc sống.

Tuy vậy Clannad AS cũng có những điểm trừ làm giảm độ hay của câu chuyện. Như đã nói ở trên, comedy chưa bao giờ là thế mạnh của Clannad và kể cả KyoAni. Anime có một số chi tiết không cần thiết hoặc không đáng để nhấn mạnh ví dụ Aiko cải trang đến nhà hàng, Fuko tranh cãi với Tomoya… Một số lại diễn biến dở, tâm lí thiếu tự nhiên như trận bóng đầu phim, Tomoya đấu bóng chày với Aiko, sự thay đổi chóng vánh của Tomoya về cha… Và phần gây nhiều tranh cãi nhất đó là cái kết, tuy chưa đến mức Deus ex Machina trắng trợn như Mai-HiMe hay phá hoại cả show như Claymore nhưng phải thừa nhận nó chưa thật tốt. Cái kết này tương tự với Kanon, thậm chí hint nhiều hơn, manh mối rải khắp hai mùa, nhưng nếu như tập cuối Kanon có thể khiến người ta mỉm cười mãn nguyện thì Clannad AS lại có cảm giác như bị lừa. Điều đó có nghĩa là cách thể hiện phần kết chưa đủ tinh tế và thuyết phục, nhất là với những ai chưa chơi visual novel. Và mình cũng mặc định luôn tập 22 không thuộc về Clannad AS, không tính điểm phần này.
Một điểm rất mạnh khác của Clannad AS là nhân vật. Sau khi tốt nghiệp, bạn bè mỗi người một ngả thì anime chỉ xoay quanh một vài người quan trọng còn lại. Bộ phim xây dựng tương tác và hội thoại của các nhân vật rất tốt, đặc biệt là những nhân vật phụ đóng vai trò hiệu quả trong cốt truyện và thậm chí rất tỏa sáng. Mình xin dành tặng lời khen chân thành đến diễn xuất của Yuusuke và vợ chồng nhà Furukawa. Yuusuke là đàn anh của Tomoya tại nơi làm việc, một người trầm tính, chín chắn và tốt bụng, cũng là nhân vật được khắc họa chân thật nhất nhì trong bộ phim. Câu chuyện về Yuusuke không thực sự hay nhưng được lồng ghép tự nhiên và hài hòa.

Còn Aiko và Sanae hầu như không có gì đặc biệt trong phần một (Vốn dĩ phụ huynh là kiểu mẫu nhân vật hiếm khi xuất hiện nhất trong anime) thì tỏa sáng trong phần này như những bậc cha mẹ tuyệt vời nhất từng có từ trước đến nay. Họ không chỉ vui nhộn, góp phần tạo không khí gia đình đầm ấm, đóng vai trò hỗ trợ rất nhiều, mà còn định hình nên tính cách của nhân vật chính về sau. Đặc biệt, Aiko đã vượt qua cái bóng của một cây hài để trở thành hình mẫu người cha điển hình, hài hước, từng trải và đáng tin cậy, ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tomoya cả về cá tính và lối sống. Các nhân vật khác dù xuất hiện không nhiều nhưng tương hỗ tối đa và giúp thiết lập nên hệ thống nhân vật chặt chẽ hoàn thiện cho Clannad AS. Sau đây là phân tích chi tiết hơn về hai nhân vật tốt nhất của bộ phim này.
Loli của mọi loli, không ngạc nhiên khi Ushio chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem. Đây là nhân vật ít bị overreact nhất trong toàn bộ anime, từng lời nói, cử chỉ hành động của Ushio đều y hệt một bé gái 5 tuổi ngoài đời. Em cũng là nhân vật moe tốt nhất của KyoAni từ trước đến giờ. Kiểu moe thông thường ít nhiều có sự gượng ép như làm hành động dễ thương, nyan, nháy mắt, thói quen aguuwa, nếu không thì mắt long lanh, bụm má hoặc bóp méo giọng nhân vật. Ushio dễ thương mà không cần đến tất cả những điều đó. Em trong sáng thuần khiết một cách tự nhiên từ ánh mắt ngây thơ đượm buồn, từ cách đi lại chạy nhảy cho đến chất giọng ngọng nghịu điển hình. Tất cả làm toát lên hình ảnh của một đứa trẻ ngoan ngoãn, được nuôi dạy tốt, không quá hiếu động mà khá trầm lặng và biết suy nghĩ, nhưng bên trong lại cô đơn và thiếu vắng tình thương. Ushio may mắn có được seiyuu tuyệt vời nhất trong cả show Koorogi Satomi. Lồng tiếng cho trẻ con mà không cảm thấy gượng ép hay giả giọng, khiến người ta tưởng như một đứa trẻ thật sự đang lồng tiếng cho Ushio vậy, Satomi chỉ có thể nói đã có một màn trình diễn xuất thần.
Và cuối cùng là Tomoya, không ngoa khi nói rằng toàn bộ câu chuyện này hoàn toàn thuộc về anh. Tomoya làm chủ cả Clannad AS, dẫn dắt người xem đi từ bi kịch này đến bi kịch khác. Anh có những nét bất cần của Yukito (Air) và lòng tốt bụng của Yuuichi (Kanon), kiểu nhân vật ngoài lạnh trong ấm như vậy thì chúng ta không lạ gì. Nhưng có hai điều đã làm cho Tomoya vượt lên trên tất cả những nhân vật cùng tính cách khác để trở nên ấn tượng nhất. Thứ nhất là cá tính chân thật, gần gũi, được khắc họa rõ nét bằng tương tác với những người xung quanh và những thăng trầm trong cuộc sống. Tomoya có những cung bậc trạng thái tình cảm phong phú và đa chiều. Câu chuyện của anh chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp ngoài đời, một người đàn ông trưởng thành từ những đau thương. Không manly từ trong ra ngoài như Kamina (Tengen Toppa Gurren Lagann), không ngầu vô đối như Alucard (Hellsing) nhưng đây mới là mẫu người đàn ông nam tính nhất, lí tưởng nhất.

Thứ hai, anh có mâu thuẫn và biến chuyển nội tâm vô cùng nhiều và ấn tượng, có thể nói là một trong những nam chính được phát triển tốt nhất trong anime trước giờ. Theo motip điển hình của Key thì Yukito, Yuuichi và Tomoya đều giúp đỡ mọi người từ đó thay đổi bản thân một ít, họ đóng vai trò hỗ trợ các nhân vật nữ và không có nhiều vấn đề riêng để đi sâu phát triển cá nhân. Nhưng chỉ tính cách của Tomoya mới được định hình và ảnh hưởng rất nhiều từ tác động bên ngoài. Đó là sự cảm hóa của Nagisa, tình bạn giữa những người trong nhóm, nhờ sự chỉ dạy của Yuusuke, sự bao bọc của nhà Furukawa và đặc biệt là những sự kiện chấn động trong cuộc đời. Tomoya còn có những thay đổi, vận động bên trong từ sự nỗ lực làm việc, học cách làm chồng, làm người cha tốt, nhận thức được mối quan hệ với cha mình… So sánh Tomoya lúc bắt đầu Clannad và những tập cuối cùng, bạn sẽ thấy sự thay đổi mạnh mẽ ở nhân vật này như thế nào. Góp phần không nhỏ vào sự thành công của nhân vật Tomoya còn là sự hóa thân xuất sắc của seiyuu Nakamura Yuuichi.
Về phần hình ảnh, được làm bởi KyoAni có nghĩa là Clannad hoàn toàn không đáng lo ngại về mặt chất lượng. Đồ họa của anime chưa phải thuộc hàng top notch Tv series của hãng như Kanon hay Hyouka, nhưng chắc chắn rất đẹp so với những anime cùng năm. Chuyển động mượt mà, đặc biệt trận đánh tay đôi trong tập 8 animation không có gì để chê. Biểu cảm nhân vật được để ý kĩ, tái hiện cực kì tốt những thay đổi trạng thái nhỏ nhất, tuy đôi chỗ còn overreact nhưng không đáng kể, nhất là biểu cảm mắt trông tự nhiên và nuột hơn so với phần một. Anime còn thay đổi tông màu và ánh sáng rất khớp và hài hòa theo từng mùa và tâm trạng nhân vật. Background vẫn chi tiết và công phu như thường. Đặc biệt phong cảnh thiên nhiên được lồng ghép và sử dụng rất chuyên nghiệp, trở thành một yếu tố quan trọng giúp truyền tải cảnh phim một cách khéo léo và có hồn. Khó ai có thể quên được lúc Tomoya ôm lấy Ushio ở cánh đồng hoa vàng, khung cảnh trời chiều rực rỡ mà ấm áp đã khiến cho cảnh phim này trở thành khoảnh khắc đắt giá nhất trong Clannad AS.

Âm nhạc của anime được sử dụng lại và remix từ visual novel. Những cảnh quan trọng nhất thì bài Nagisa Theme vẫn được lồng ghép vào đúng thời điểm như mọi khi, giai điệu quen thuộc của nó dễ dàng khiến người xem xúc động hơn bất cứ track nào. Soundtrack có nhiều bản piano và ballad buồn góp phần làm tăng tính drama rất nhiều. Tuy nhiên cách sử dụng chúng lại chưa tinh tế, đôi khi âm nhạc phát ra chỉ vì nó nên được phát ra chứ chưa được chọn lọc thật chuẩn hay cắt ghép phân đoạn nhạc phù hợp. Opening anime là một bài hát tương đối dễ nghe nhưng cũng không có gì đặc biệt, còn Ending là một điểm trừ khá nặng, mang sắc thái quá tươi sáng và lạc quan không phù hợp để kết lại những tập phim đầy cảm xúc của Clannad AS. Về lồng tiếng thì toàn bộ dàn seiyuu đã diễn rất tròn vai, đặc biệt là Midorikawa Hikaru (lồng tiếng Yuusuke), Nakamura Yuuichi (lồng tiếng Tomoya) và Koorogi Satomi (lồng tiếng Ushio) đã thể hiện rất xuất sắc nhân vật của mình.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng Clannad after story sẽ còn được nhắc đến mãi như một tác phẩm xúc động bậc nhất, làm tốn không ít nước mắt của người xem. Tất nhiên anime vẫn còn kha khá điểm trừ, nhưng đa số khán giả có thể chấp nhận nó thì vẫn có thể nói đó là thành công rồi. Đằng sau đó, anime là lời nhắn nhủ hãy trân trọng những gì mình đang có; những gì hạnh phúc, tuyệt vời nhất trên thế giới ngày lại đến từ những điều bình dị đơn giản nhất xung quanh chúng ta. Riêng mình thì khá hiếu kì nếu như có Clannad AS phiên bản Mamoru Hosoda (điều này thì chắc chắn không xảy ra đâu).
Overall: 8
Người viết: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Back To Top