June 30, 2016

ANIME REVIEW: ANNE OF GREEN GABLES

Anne of Green gables anime review - toptenhazy.blogspot.com
Anne of Green Gables được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn Lucy Maud Montgomery. Tác phẩm này cực kì nổi tiếng ở phương Tây và được đón nhận trên toàn thế giới. Anne of Green Gables thuộc World Masterpiece Theater của hãng Nippon Animation. Đây là một series khá đồ sộ bao gồm các TV anime chuyển thể từ những tác phẩm văn học kinh điển như Dog of Flanders, Romeo’s blue skies, The adventures of Tom Sawyer, Les Misérables, Alps no shoujo Heidi… Không chỉ là một trong những anime nổi bật nhất của Nippon Animation, Anne of Green Gables còn được xem là bản chuyển thể tốt nhất từ tiểu thuyết, vượt qua phim điện ảnh, phim truyền hình, hoạt hình…
  • Tên: Anne of Green Gables (Akage no Anne)
  • Studio: Nippon Animation
  • Năm phát hành: 1979
  • Số tập: 50
  • Rating: (Anidb) 7.59; (Myanimelist) 7.6

Tóm tắt

Câu chuyện kể về hai anh em nhà Cuthbert ở Green Gables muốn nhận nuôi một bé trai để đỡ đần công việc nông trại. Tuy nhiên trại trẻ mồ côi đã nhầm lẫn đưa đến cho họ một bé gái lắm mồm, bướng bỉnh và hay mơ mộng tên là Anne. Cô bé vô cùng thất vọng trước nguy cơ bị trả về. Thế nhưng sự trong sáng, nồng nhiệt của Anne đã thuyết phục Matthew và Marilla giữ cô ở lại. Từ đó họ bắt đầu những ngày tháng nuôi dạy Anne.

Nội dung

Điều tuyệt nhất đó là anime bám cực kì sát nguyên tác và chuyển tải trọn vẹn tinh thần câu chuyện. Vì đây là tiểu thuyết thiếu nhi nên nội dung rất trong sáng và được tái hiện lên anime rất chi tiết, tỉ mỉ. Có một số điểm khác biệt nhỏ nhưng hầu hết thay đổi đều tốt hơn, thậm chí những tập cuối còn vượt trội hơn tiểu thuyết gốc. Đây là điều rất đáng khen bởi vì văn chương khó chuyển thể hơn nhiều so với manga. Không có cốt truyện kịch tính hay thế giới viễn tưởng kì diệu, Anne of Green Gables chỉ kể câu chuyện rất đơn giản về cuộc sống của Anne từ 11-16 tuổi. Lối kể chuyện rất thoải mái, pacing chậm, đặc biệt là cách trình bày rất chân thật và trong sáng đã góp phần giúp anime thành công trong việc khai thác đời sống sinh hoạt thường ngày.

Vì anime kể chuyện theo thứ tự thời gian khá dài (5 năm) nên sự thay đổi của các nhân vật và mọi thứ xung quanh được thể hiện rất rõ. Những tập đầu thì Marilla mệt nhọc uốn nắn tính cách hoang dại của Anne, còn Matthew vẫn bao phen hết hồn vì những sai lầm của cô. Nhưng dần dần ba người họ gần gũi như một gia đình thật sự. Anne đã mang lại sức sống cho ngôi nhà im lặng và trang nghiêm này, sưởi ấm trái tim già nua của hai anh em nhà Cuthbert. Cho đến một ngày, khi Anne đi học xa nhà thì chúng ta nhận thấy rõ sự gắn bó giữa ba người họ như thế nào. Marilla luôn miệng nhắc tới cô, còn Matthew thì lủi thủi làm việc, Green Gables trở nên trống trải hơn bao giờ hết. Những biến chuyển như vậy được miêu tả từ từ và hết sức tự nhiên. Cứ thế người xem như được trải mình cùng câu chuyện, cảm giác được lớn lên cùng Anne và chứng kiến mọi sự thay đổi xung quanh cô.

Bộ phim này còn có một cái hay đó là không chỉ kể những chuyện tốt đẹp. Thường thì anime slice of life khá yên bình, cùng lắm là có vài mâu thuẫn cao trào chứ không có sự kiện chấn động như trong Anne of Green Gables. Như thế cũng tốt vì cuộc đời mà, phải có vui có buồn, không ai biết trước được điều gì sẽ đến. Thời gian trôi qua cũng là lúc nhiều thứ bị mất đi. Matthew bệnh tật không thể theo kịp công việc đồng áng, còn đôi mắt Marilla dần lộ rõ dấu hiệu tuổi tác. Anime thể hiện sự đối lập rõ ràng giữa hai thế hệ, Anne dần trưởng thành đầy sức sống, thì hai anh em Cuthbert lại ngày một ốm yếu đi và cuối cùng cũng phải đối mặt với sóng gió lớn nhất trong đời (không muốn spoil). Việc xây dựng sự kiện lớn như vậy hay bị lạm dụng trong anime. Ví dụ như các nhân vật shonen thường có tuổi thơ bất hạnh, gặp nhiều biến cố rất chi bi tráng để khiến người xem đồng cảm. Tuy nhiên ở đây, nó không nhằm gây sốc hay gì cả mà chỉ là một sự kiện bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong đời. Nó là phương tiện để khắc họa nội tâm nhân vật, đặc biệt là phát triển nhân vật Anne và Marilla.

Ngoài ra, anime còn rất thành công trong việc xây dựng bối cảnh Avonlea châu Âu đầu thế kỉ 20. Nhà văn Lucy Maud Montgomery đã cố gắng thách thức nhiều quy ước đặt ra cho phụ nữ trong thời kì này. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục và môi trường sống. Điều đó được thể hiện rất chân thực trong anime. Các quy tắc, chuẩn mực hay định kiến đương thời đều được miêu tả kĩ càng để thấy được sự ảnh hưởng của chúng lên các nhân vật. Từ phong tục đi lễ nhà thờ, mời trà; các lễ nghi quý tộc; xu hướng mặc váy tay bồng cho đến quan niệm về mái tóc đỏ xui xẻo, hay con gái không nên học quá cao… tất cả tạo nên bối cảnh rất thật mặc dù Avonlea hoàn toàn là tưởng tượng. Có thể thấy là những người làm phim rất chăm chút world-building cho tác phẩm này.

Tuy vậy bộ phim có một điểm trừ lớn đó là kể chuyện thiếu chọn lọc. Mặc dù anime slice of life nói về đời sống thường ngày nhưng chuyện gì cũng kể rất dễ gây nhàm chán. Anime kể quá kĩ, nhiều chi tiết lặt vặt hoàn toàn có thể lược bỏ hoặc rút gọn đi. Thực ra chuyển thể không nhất thiết phải trung thành với source bởi vì cái gốc chưa chắc đã hoàn hảo. Một chuyển thể hay là biết cách chắt lọc tinh túy từ tác phẩm gốc và biến tấu những chỗ chưa phù hợp. Ví dụ như những cảnh Anne và Diana vui chơi, anime miêu tả cả quãng đường Anne đi từ nhà đến chỗ hẹn nhưng thực ra điều này không cần thiết. Hay có những đoạn hồi tưởng rất dài về lúc Anne mới đến Green Gables, dường như copy hoàn toàn những tập trước mà không chỉnh sửa gì. Vì vậy 50 tập là quá dài, nếu kể chuyện súc tích hơn thậm chí có thể rút gọn một nửa.

Nhân vật

Anne of Green gables anime review giới thiệu nhân vật - toptenhazy.blogspot.com
Từ trái qua phải: Gilbert, Mrs. Stacy, Diana, Mrs. Allan, Ruby.
Về phần nhân vật, đây là điểm đặc sắc nhất của tác phẩm này. Vì thời lượng dài nên anime có cơ hội xây dựng hệ thống nhân vật rất chặt chẽ và có sự phát triển cân đối, đồng đều. Qua việc tạo dựng thói quen, lối suy nghĩ và nắm bắt tốt cảm xúc nhân vật thì tính cách của mỗi người hiện lên rất rõ ràng, không ai giống ai. Kể cả những vai rất nhỏ như anh giúp việc cũng được thể hiện tỉ mỉ các thói quen ăn uống say sưa và hơi lơ đãng. Khi mọi người đang nghiêm túc bàn luận về Anne trong bữa cơm thì anh ta vẫn cắt thịt ăn một cách bình thản, mút ngón tay, liếm đĩa rất ngon lành, chả để ý gì đến xung quanh. Các mối quan hệ cũng được xây dựng hết sức chân thật. Đặc biệt là giữa Anne với Marilla, Matthew và Diana. Hoặc là tương tác giữa Anne và Gilbert cũng rất thú vị và biến chuyển hợp lí tự nhiên. Các nhân vật phụ thể hiện vai trò bổ trợ rất hiệu quả, không có bất cứ ai thừa thãi. Từ vợ chồng nhà Allan, cô Stacy, bạn bè trong lớp, hàng xóm cho đều được quan tâm đúng mực.
Matthew (Anne of Green gables) anime review - toptenhazy.blogspot.com
Hai nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện là Matthew và Marilla. Matthew là người trầm lặng, nhút nhát nên tính cách của ông được bộc lộ một cách tinh tế qua cử chỉ hành động. Ông luôn ngại ngùng khi gặp người lạ, thường kiếm cớ ra ngoài khi nhà có khách hay lo lắng thái quá khi mua hàng. Matthew ít khi tự quyết định mọi việc mà thường nghe lời Marilla. Có thể thấy như ở mấy tập đầu, ông không nỡ nói với Anne rằng họ muốn nuôi một bé trai nên đưa cô về nhà và phó mặc cho Marilla sắp xếp. Khi Anne vui sướng kể chuyện thì Matthew chỉ ngồi im lặng, thi thoảng ậm ừ một vài câu. Nhưng nhìn vào biểu cảm say mê lắng nghe, hay cử chỉ tự nhiên với Anne so với sự lúng túng khi gặp người qua đường, chúng ta nhận thấy được ông thật sự thấy gần gũi và yêu quý Anne. Chỉ trong một quãng đường ngắn Matthew chở Anne về nhà, anime đã thể hiện được nhiều thứ như tâm trạng, tính cách, mối quan hệ của nhân vật mà không cần nhiều lời thoại.

Matthew là người Anne yêu thương nhất vì ông nhỏ nhẹ, dịu dàng và chiều chuộng cô khác hẳn với Marilla. Qua thời gian sống cùng Anne, Matthew đã dần thay đổi. Ông có chính kiến hơn và thường bảo vệ Anne mỗi khi cô bé bị trách mắng. Matthew thể hiện sự quan tâm theo một cách riêng. Ông luôn tin tưởng và động viên Anne mỗi khi cô bé tự ti trước bạn bè. Ông quan sát Anne rất tinh tế và nhạy cảm trước những mong ước của cô, luôn muốn cô có được đời sống vật chất thoải mái. Vì Anne, Matthew đã làm những việc chưa từng làm trước đây khiến nhiều người sửng sốt. Ông nhờ bà Lynde may váy cho Anne hay tự mình đi mua vải. Vì vậy dù không nổi bật và được lên hình nhiều như Marilla, nhưng cách xây dựng nhân vật tinh tế đã giúp Matthew trở thành một vai diễn khó quên.
Marilla (Anne of Green gables) anime review - toptenhazy.blogspot.com
Ngược lại, Marilla là người rất nguyên tắc, lí trí nên anime đã lựa chọn cách thể hiện thông qua hội thoại. Bà gần như hoàn toàn đối cực với Anne. Nếu như Anne tính cách dữ dội, ồn ào, mộng mơ thì Marilla lại nghiêm khắc, ôn hòa và thực tế. Vì vậy bà luôn cố gắng rèn dũa cô bé một cách cứng rắn theo chuẩn mực, và là người có tác động mạnh mẽ nhất giúp định hình nên tính cách của cô sau này. Lời thoại của Marilla phản ánh đúng hình ảnh một người nội trợ, người chủ gia đình: luôn phải nói nhiều, suốt ngày nhắc nhở, phàn nàn và có nhiều lời khuyên từng trải. Bà không muốn Anne ăn diện, đua đòi bạn bè nên ít khi sắm sửa cho cô quần áo đẹp. Đặc biệt Marilla phạt rất nghiêm khắc khi Anne mắc lỗi như chuyện cô bé nói dối về viên đá cài áo.

Tuy nhiên dần dần Marilla cảm nhận được vai trò của người mẹ. Từ một bà cô già nghiêm nghị, Marilla đã trở thành một người phụ nữ khoan dung và mềm mỏng. Khác với Matthew, Marilla không bao giờ ôm ấp hay nói lời yêu thương cô bé. Bà ít khi biểu lộ sự quan tâm ra ngoài, nhưng thực lòng rất lo lắng cho cô. Bà không nói với Anne về sức khỏe của mình và Matthew để cô tập trung học tập. Hay là khi Anne trở về sau nhiều tháng xa nhà, mặc dù không nói ra nhưng Marilla tỏ ý giận dỗi vì Anne không về sớm mà chạy đi gặp bạn trước. Để rồi cuối cùng, cô bé lại chính là niềm tự hào và là chỗ dựa cho Marilla trước những sóng gió ập đến. Chúng ta được thấy một mặt khác ở Marilla, đằng sau vẻ ngoài rắn rỏi là những tâm tư sâu sắc về thời thiếu nữ, là một trái tim dễ bị tổn thương và gục ngã nếu không có Anne.
Anne (Anne of Green gables) anime review - toptenhazy.blogspot.com
Cuối cùng, nhân vật tỏa sáng nhất và là linh hồn của bộ phim này không ai khác chính là Anne. Đây là kiểu mẫu nhân vật hết sức độc đáo, không thể bắt chước. Thông thường thì nữ chính trong anime khá hoàn hảo, hoặc ít ra phải đẹp vì xấu chả ai muốn xem. Tuy nhiên Anne lại được xây dựng với rất nhiều thiếu sót giống như những đứa trẻ 11 tuổi khác. Ngoại hình gầy gò, khuôn mặt đầy tàn nhang và mái tóc đỏ khác thường. Tính cách thì ngoan cố, vụng về, nói nhiều, hay mơ mộng viển vông, dễ phân tâm và đôi khi khá hoang dại. Cô thù ghét Gilbert mấy năm trời chỉ vì bị trêu chọc đúng một lần, hay thậm chí sẵn sàng bỏ học do thầy giáo không công bằng. Vậy nhưng Anne thực sự rất thông minh, sống tình cảm, luôn nỗ lực mạnh mẽ để học giỏi hơn và ngày một hoàn thiện bản thân. Đây là một nhân vật rất thực tế và con người.

Anne mất cha mẹ khi mới ba tháng tuổi vì bệnh thương hàn. Sau đó cô được một vài gia đình nhận làm việc trước khi được gửi đến trại mồ côi. Trong điều kiện sống vất vả, cô bé tìm được niềm an ủi trong thế giới tưởng tượng của mình. Đó vừa là nơi thoát li hiện thực khốn khó, vừa là chỗ dựa, một công cụ đấu tranh với đời sống thực tại. Vì không được giáo dục tử tể và có cơ hội trải nghiệm với thế giới bên ngoài, Anne đã lấp đầy cuộc sống của mình bằng những câu chuyện, bài thơ, trí liên tưởng vô cùng phong phú và sống động. Nhưng trên hết, đó là cách cô bé thích nghi với thực tại và giữ mình luôn trong trạng thái vui vẻ. Anne đã học được cách tận hưởng, tìm thấy hạnh phúc từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt. Nó cũng hình thành nên thiên hướng nghệ thuật, tính cách vui tươi năng động và sức mạnh tinh thần bền bỉ ở Anne.

Anne đã trải qua một tuổi thơ vất vả từ nơi này qua nơi khác mà không có sự chăm sóc của gia đình thật sự. Vì vậy cô luôn khao khát về một nơi gọi là nhà. Lần đầu tiên trong đời, Anne được nhận nuôi như một đứa con, được sống bình thường, đi học, vui chơi… Niềm vui sướng tột cùng được thể hiện rõ nét qua khuôn mặt rạng rỡ, nói huyên thuyên không ngừng. Mọi thứ được nhìn qua đôi mắt của Anne từ căn phòng nhỏ, cây cối, bữa ăn đều trở nên đẹp đẽ lạ thường. Chính tính cách sôi nổi đó đã đem đến sắc màu thú vị cho anime. Người xem không bao giờ cảm thấy nhàm chán ngay cả khi Anne làm những việc rất bình thường như kể chuyện, nướng bánh, dọn phòng… vì cô luôn có suy nghĩ rất khác biệt và cuốn hút.

Vì diễn biến theo quá trình trưởng thành của nhân vật nên anime coming of age có một ưu điểm lớn, đó là các nhân vật chắc chắn không đơn điệu, một chiều mà có sự phát triển. Anne ở đây cũng vậy. Chúng ta không chỉ được thấy cô lớn lên, trở nên cao ráo xinh đẹp hơn, mà tính cách cũng ngày càng chín chắn, dịu dàng. Cô bắt đầu cư xử như một quý cô phép tắc, có trách nhiệm, biết suy nghĩ thấu đáo về gia đình và tương lai. Sự phát triển nhân vật hết sức tự nhiên. Nhưng điều tuyệt hơn cả là dù đã thay đổi rất nhiều, Anne không đánh mất bản chất của mình, vẫn là một cô gái hay tưởng tượng, vẫn say sưa nhìn ngắm cảnh xuân trong khi bạn bè đang tất bật thi cử. Tất cả đã làm cho Anne trở thành một nữ chính đặc biệt trong thế giới anime.

Hình ảnh

Screenshot Anne of Green gables anime review - toptenhazy.blogspot.com
Về mặt hình ảnh thì art của Anne of Green Gables khá đơn giản, animation trung bình nhưng background lại rất đẹp. Anime này có sự tham gia của một bộ sậu Ghibli đó là Isao Takahada (Grave of the fireflies) làm đạo diễn, Yoshifumi Kondo (Whisper of the heart) thiết kế nhân vật và Hayao Miyazaki (Spirited away, Princess Mononoke) vẽ cảnh nền. Vì vậy có thể thấy là các nhân vật trong đây tạo hình tròn trĩnh, ưa nhìn theo kiểu Ghibli. Còn background thì rất dễ phát hiện ra phong cách của Hayao Miyazaki, đặc biệt khá giống với Kiki’s delivery service hay My neighbor Totoro. Khoảng 15 tập đầu tiên do ông thực hiện thì phần hình ảnh thực sự tỏa sáng hơn hẳn phần còn lại, có thể nói hiếm TV series nào đạt được chất lượng như vậy trong thập niên 70. Nhất là các cảnh tưởng tượng của Anne rất sống động, lung linh đầy màu sắc.

Bối cảnh cũng được xây dựng vừa chính xác với lịch sử, vừa sát với mô tả trong tiểu thuyết và được đầu tư kĩ lưỡng. Bằng chứng là những người làm phim đã chi ngân sách lớn vào việc nghiên cứu lịch sử và thậm chí đến hòn đảo Prince Edward trong tác phẩm để tìm hiểu về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên. Kết quả là tuy không có chi tiết cầu kì nhưng background đã lột tả được vẻ đẹp của hòn đảo, từ những tòa nhà châu Âu cổ kính cho đến khu rừng lá kim nông thôn. Nó còn nêu bật được sự thay đổi theo mùa và năm một cách rõ ràng. Tuy phạm vi bối cảnh không lớn, chỉ quanh quẩn một vài địa điểm trên hòn đảo nhưng cảnh nền rất đa dạng và đẹp tựa như những bức tranh sơn dầu. Song anime vẫn mắc phải điểm trừ là slideshow, cuộn cảnh tương đối nhiều và nhàm chán.

Âm thanh

Khoản âm nhạc của Anne of Green Gables thì khá hạn chế. Nhìn chung nó được dùng phù hợp, đúng lúc, ăn khớp với nội dung anime. Trong cảnh vui vẻ thì âm nhạc rộn ràng, tươi vui; còn khi buồn thì nhẹ nhàng, ảm đạm. Có thể thấy là các soundtracks đã hoàn thành vai trò tương đối ổn nhưng lại hơi mờ nhạt, không có bài nào để lại ấn tượng. Opening và Ending cũng khá bắt tai nhưng chưa đặc sắc, mang âm hưởng nhạc phim cổ điển những thập niên trước. Lồng tiếng phù hợp với tất cả các nhân vật. Bản thân mình thì không thích giọng của Anne, nhất là khi cô bé giận dỗi hay lo lắng lồng tiếng hơi kịch và giả tạo.

Tổng kết

Tổng kết lại, mặc dù còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là trong cách kể chuyện nhưng Anne of Green Gables là một chuyển thể thành công. Anime đã thể hiện tốt nhất về khoản nhân vật, họ đều rất dễ chịu, thực tế và lúc xem xong hẳn bạn sẽ yêu quý tất cả các nhân vật trong bộ phim này. Anime chỉ chuyển thể quyển 1 của series tiểu thuyết. Nếu yêu thích tác phẩm này thì bạn có thể tìm đọc các phần còn lại xoay quanh cuộc sống của Anne khi kết hôn, có con… Ngoài ra Before Green Gables (2009) là prequel kể về Anne lúc nhỏ trước khi đến Green Gables, đây cũng là một anime hay đáng xem.
Overall: 7
Người viết: Hazy Nguyen
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Back To Top