January 1, 2018

NĂM 2017 VÀ LÀN SÓNG ANIME ĐIỆN ẢNH ĐỔ BỘ VÀO VIỆT NAM

Yêu thích anime, chúng ta dễ dàng tìm được những người cùng mối quan tâm, sở thích trong cộng đồng anime Việt. Tuy nhiên, đối với đại bộ phận khán giả, khái niệm "phim hoạt hình Nhật Bản" vẫn còn khá là xa lạ, đặc biệt là những ai chỉ quan tâm đến màn ảnh rộng. Trong cuộc chiến giữa vô vàng các thể loại phim điện ảnh, anime khó có thể chiến thắng các bộ phim Âu-Mỹ, Việt để chen vào thị trường Việt Nam, do các nhà phân phối phim chưa thực sự đưa anime vào khai thác ở thị trường nước ta. Nhưng từ sau những cái tên như "Tên cậu là gì?" (Kimi no Na wa.), các bộ anime điện ảnh bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam, đến mức mà ta có thể gọi đó là một "làn sóng"...

MỘT THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CHỜ NGÀY BỨT PHÁ


Con người Việt Nam đã sớm chấp nhận văn hóa đại chúng Nhật Bản từ nhiều năm nay. Nền văn hóa này, dưới hình dạng tiêu biểu nhất là manga, đã in sâu vào tuổi thơ nhiều thế hệ. Không cần là một người yêu thích, am hiểu về văn hóa đại chúng Nhật Bản, người ta vẫn quen thuộc với những khái niệm như "truyện tranh", "game Nhật Bản", "hóa trang thành nhân vật", và "phim hoạt hình Nhật Bản" - anime - cũng không là ngoại lệ. Bằng những tựa anime quen thuộc đã từng được phát sóng trên truyền hình như Doraemon, Dragon Ball, Inuyasha, anime bắt đầu tiếp cận khán giả nhí ở Việt Nam, tạo một chỗ đứng nhỏ nhưng vững chắc trong lòng giới trẻ.

Anime và văn hóa 2D Nhật Bản nói chung
dần trở nên phổ biến tại Việt Nam
Nhờ sự phát triển của Internet, chỗ đứng của anime trở nên vững chắc hơn. Công nghệ hiện đại ngày nay cho phép người xem tiếp cận anime thông qua mạng, tìm hiểu các thông tin, tin tức về anime ở Nhật nói riêng và cả thế giới nói chung. Các cộng đồng trực tuyến như VNSharing, Hako.re phát triển mạnh mẽ với số lượng thành viên khổng lồ và hoạt động tích cực. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động liên tục của các nhóm fansub đóng vai trò cầu nối giữa anime và khán giả Việt. Mặt khác, Internet cũng hỗ trợ các loại hình có quan hệ mật thiết với anime như manga, game, cosplay... trong việc tiếp cận giới trẻ Việt. Có thể nói, cộng đồng những người yêu thích anime ở Việt Nam không chỉ phát triển sâu hơn, chuyên nghiệp hơn mà còn mở rộng, hướng đến một số lượng người xem khổng lồ.

Light novel - thể loại văn học gần gũi
với người xem anime bắt đầu xuất hiện
nhiều ở thị trường Việt
Sự phát triển của anime ở nước ta tạo nên một mối quan hệ đa chiều giữa anime và những loại hình văn hóa liên quan. Có thể nói, anime đã dẫn một lượng đáng kể người xem đến với nền văn hóa Nhật Bản, nhờ đó mà các lễ hội văn hóa, lễ hội cosplay được tổ chức ngày càng nhiều và nhận được sự quan tâm. Các nhà xuất bản ngày càng chú trọng đến manga, tạo nên sự gia tăng chóng mặt về số đầu sách và số bản in. Ngoài hai "ông lớn" NXB Kim ĐồngNXB Trẻ, một số NXB như TVM Comics, TABooks cũng bước vào cuộc chơi. Mặt khác, light novel cũng bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là các tác phẩm nguyên tác hoặc chuyển thể của anime, chẳng hạn như "5 Centimet trên giây", "Khu vườn Ngôn từ", "Nỗi phiền muộn của Suzumiya Haruhi",... Anime đã đi trước và dẫn đường cho các tác phẩm này vào thị trường Việt; mặt khác, các loại hình văn hóa nói trên cũng làm hài lòng người Việt, tạo nên cho họ những mối quan tâm nhất định về anime.

2017: NĂM CỦA SỰ BÙNG NỔ


Các bộ anime màn ảnh rộng đã vào thị trường Việt Nam từ trước, 2017 không phải là một bước khởi đầu. Từ vài năm về trước, một số bộ anime điện ảnh chuyển thể từ các tựa manga nổi tiếng như Doraemon, Meitantei Conan đã được công chiếu, đánh dấu bước mở đầu, tuy chưa thật sự tạo được tiếng vang trong giới xem phim. Dù vậy, anime vẫn tiếp tục hiện diện ở các cụm rạp Lotte, CGV và Galaxy, giữ được chỗ đứng bé nhỏ của mình. Đến năm 2016, các tựa phim vẫn xuất hiện đều đặn, thậm chí còn với tần suất cao hơn: Meitantei Konan: Junkoku no Naitomea (Thám tử lừng danh Conan: Cơn ác mộng đen tối), Doraemon: Stand by Me (Doraemon: Đôi bạn thân) và One Piece Film: Gold. Sự xuất hiện thường xuyên chứng tỏ rằng thị trường Việt Nam là có thể khai thác; nhưng vẫn cần thêm một bộ anime bom tấn đủ mạnh để đánh lên một tiếng vang trong giới người xem.
Doraemon: Stand by Me dễ dàng được người xem yêu thích
nhờ sự nổi tiếng của cái tên Doraemon
Quả bom tấn mà chúng ta cần xuất hiện vào đầu năm 2017, đánh dấu sự "đổ bộ" của anime điện ảnh vào Việt Nam. Nếu như trước đây, người xem đến rạp chỉ để xem phần tiếp theo của các bộ manga/anime vốn đã nổi tiếng từ trước thì bây giờ, các bộ "original anime" (anime gốc, không được chuyển thể từ loại hình khác) đã có thể tạo được sức hút. Cụ thể là tựa anime nổi tiếng Kimi no Na wa. (Tên cậu là gì?) của đạo diễn Shinkai Makoto - một bộ phim có thể xem là "phát súng khai cuộc" cho làn sóng anime điện ảnh, mang lại một khối lợi nhuận khổng lồ cho các hệ thống rạp và nhà phân phối phim. Đồng thời, Kimi no Na wa. cũng mở đường cho các bộ anime đáng chú ý được chiếu sau đó, như Koe no KatachiKono Sekai no Katasumi ni và Uchiage Hanabi: Shita kara Miru ka? Yoko kara Miru ka?.

Kimi no Na wa., công chiếu ngày 13/01/2017 tại Việt Nam, là một thành công vang dội của nhà phân phối Encore Films. Không chỉ ở nước ta, bộ anime này là một hiện tượng lớn trên toàn thế giới, lập nên nhiều kỷ lục về doanh số phòng vé, đặc biệt nhất là việc chiến thắng Sen to Chihiro no Kamikakushi về tổng số doanh thu. Dù bản lậu của phim đã bị phát tán trước khi công chiếu tại Việt Nam, Kimi no Na wa. vẫn đạt được những thành công ngoài mong đợi. 37.000 lượt vé được bán ra ở các cụm rạp CGV, thu về doanh thu 3,6 tỷ đồng chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày công chiếu đầu tiên. Sau thời gian công chiếu, doanh thu tổng cộng đạt đến con số xấp xỉ 20 tỷ.
Kimi no Na wa. - anime điện ảnh gây chú ý nhất năm 2016,
và tiếp tục là năm 2017
Một cái tên khác đạt được nhiều thành công là Koe no Katachi (Dáng hình Thanh âm). Đầu năm 2017, tác phẩm manga nổi tiếng này đã được NXB Trẻ phát hành, đạt được những thành công nhất định và tạo tiếng vang trong cộng đồng yêu thích manga/anime Việt. Tháng 5/2017, anime điện ảnh Koe no Katachi của Kyoto Animation - giải "Phim hoạt hình xuất sắc của năm" (hạng mục phim điện ảnh) của Liên hoan phim hoạt hình Tokyo, đạt doanh thu 283 triệu Yên sau 2 ngày công chiếu - tiếp tục được Encore Films phân phối ở Việt Nam. Việc lựa chọn công chiếu bộ anime này vào tháng 5 là vô cùng sáng suốt, tạo nên một hiệu ứng tuyệt vời về mặt quảng bá khi nguyên tác manga đã được xuất bản từ tháng 1 đến tháng 5, nhờ đó mà cả anime và manga đều tạo được tiếng vang.

Manga và anime điện ảnh Koe no Katachi đến Việt Nam vào hai thời điểm rất cận kề nhau

ĐÂU LÀ THỊ HIẾU CỦA KHÁN GIẢ VIỆT?


Conan - một cái tên quen thuộc
với khán giả Việt
Tại sao các bộ anime điện ảnh chuyển thể từ Doraemon, Conan lại có được chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam sau nhiều năm? Đó là nhờ mối liên hệ mật thiết của anime với manga: Doraemon là Conan có thể xem là hai trong các bộ manga được quan tâm nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng được xuất bản từ rất lâu, gắn với nhiều thế hệ người xem. Vì thế, người hâm mộ khó lòng từ chối cơ hội được thưởng thức tác phẩm trên màn ảnh rộng. Cùng bằng cách tương tự, các bộ manga, light novel nổi tiếng như Sword Art Online, Koe no Katachi, Kuroko no Basket cũng "mở đường" cho anime vào khai thác thị trường Việt. Từ đó, có thể dễ dàng thấy được khán giả nước ta yêu thích và ủng hộ nhiệt tình các tác phẩm chuyển thể.

Kimi no Na wa. xuất hiện
trên báo Tuổi Trẻ
Một xu hướng khác của cộng đồng khán giả cũng không kém phần nổi bật, đó chính là xu hướng tôn trọng và ủng hộ anime bản quyền. Cộng đồng anime ở Việt Nam rất đông đảo, nhu cầu xem anime cao nhưng chưa được đáp ứng đủ. Các bộ anime chiếu trên TV hầu hết là anime cũ, anime bản quyền được phân phối bởi các dịch vụ như Crunchyroll gặp phải rào cản về ngôn ngữ. Vì thế, cầu nối giữa anime và khán giả chủ yếu là các nhóm fansub Việt ngữ.

Khi một số anime được mua bản quyền và chiếu rạp ở Việt Nam, nhu cầu trên được đáp ứng. Tuy nhiên, không phải người xem không có lựa chọn khác ngoài việc đến rạp xem phim: họ hoàn toàn có thể xem anime được đăng tải trên mạng. Trước khi công chiếu, bản lậu của Kimi no Na wa. bị phát tán trên mạng, Koe no Katachi được chiếu cũng rất gần với ngày phát hành đĩa blu-ray. Tuy thế, khán giả Việt vẫn rất ủng hộ phim chiếu rạp, sự thành công vang dội của Kimi no Na wa. với những con số ấn tượng như 3,6 tỷ đồng trong vòng 3 ngày công chiếu đầu tiên đã nói lên điều đó. Mặt khác, cộng đồng fansub cũng ra sức kêu gọi, ủng hộ anime bản quyền, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với nhà sản xuất và phân phối, vừa xây dựng những cơ sở vững chắc để những bộ anime tiếp theo có thể tiếp tục đến với khán giả Việt.

KẾT


Năm 2017 đã trôi qua, nhưng sự đổ bộ của làn sóng anime chỉ vừa mới bắt đầu. Sau những thành công mà Kimi no Na wa., Koe no Katachi, Uchiage Hanabi gặt hái được, sẽ còn nhiều bộ anime điện ảnh tiếp tục đổ bộ và những hệ thống rạp. Bước đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, các vấn đề về bản quyền vẫn còn nhức nhối. Tuy thế, cộng đồng yêu thích anime Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thị trường tuyệt vời, chứa đầy tiềm năng về doanh thu cho nền công nghiệp anime Nhật Bản.

razor
Back To Top